Trường ngoài công lập 'hút' học sinh

Thu Hương 02/08/2022 08:49

Với số lượng học sinh (HS) lớp 9 của Hà Nội tăng 19.000 em so với năm 2021, sức nóng của các trường ngoài công lập trong mùa tuyển sinh năm nay cũng tăng cao. HS cũng có thêm cơ hội để lựa chọn trường học phù hợp, giảm bớt gánh nặng cho phần ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục.

Học sinh Trường THPT IVS (Thanh Oai, Hà Nội) trong giờ học võ.

Điểm chuẩn cao tương đương các trường công lập “top” đầu

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết, từ ngày 9/7 trường đã tiến hành nhận phiếu đăng ký nhập học cùng kết quả thi lớp 10 do TP Hà Nội tổ chức để “đong đếm” nguyện vọng nhập học vào trường của HS. Từ đó xác định điểm chuẩn phù hợp. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày tiếp nhận lượng đăng ký quá đông, mặt bằng điểm thi HS năm nay cao hơn các năm trước nên nhà trường thông báo mức điểm chuẩn đợt 1 là 39 điểm.

Có mức điểm chuẩn cao tương đương với nhiều trường THPT công lập “top” đầu là Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) với 40 điểm. Năm học 2022 - 2023 trường được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) giao 320 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Trong đó trường đã xét tuyển 135 HS qua học bạ kết hợp với các giải thưởng..., số còn lại dành cho phương thức tuyển sinh bằng điểm thi. Ghi nhận chỉ trong buổi sáng đầu tiên (9/7) nhận hồ sơ, trường đã “quá tải” và phải dừng nhận hồ sơ lúc 11 giờ trưa cùng ngày.

Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh có 2 cơ sở ở Cầu Giấy và Tân Triều đều lấy điểm xét tuyển cao, lần lượt là 42,5 và 42 điểm. Lý giải điều này, đại diện nhà trường cho biết, do chỉ tiêu có hạn (150 và 200 chỉ tiêu ở 2 cơ sở) nên trường quyết định mức điểm này và cũng đã tuyển đủ HS ngay trong những ngày đầu tiên sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 THPT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) cho biết, sau 3 đợt trường tự tổ chức kiểm tra, trường đã lấy đủ chỉ tiêu theo quy định. Để thêm cơ hội cho những HS giỏi có điểm thi vào 10 cao, nhà trường tuyển thêm 30 HS bằng hình thức xét tuyển điểm thi vào lớp 10 năm 2022 do Sở GDĐT Hà Nội tổ chức. Đến nay, nhà trường đã tuyển sinh đủ 340 chỉ tiêu và đang tiến hành tư vấn nguyện vọng để HS chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp.

Không chỉ xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, xét điểm thi vào lớp 10, nhiều trường THPT ngoài công lập cũng sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển khác để thu hút HS giỏi. Đơn cử, Trường Đoàn Thị Điểm tuyển thẳng vào lớp 10 HS đạt giải HS giỏi cấp quận, huyện, cấp tỉnh, thành phố, quốc gia năm học 2021-2022, hoặc HS có chứng chỉ IELTS đạt từ 5.0 trở lên. Trường được Sở GDĐT phê duyệt tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ 360 HS lớp 10 (8 lớp) lên 450 HS (10 lớp).

Tăng chỉ tiêu vẫn phải “từ chối học sinh”

Không chỉ những trường ngoài công lập ở nội thành tăng sức nóng, ghi nhận tại các trường ở ngoại thành Hà Nội năm nay cũng có nhiều khởi sắc. Ông Dương Mạnh Hải - Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (huyện Đông Anh) cho biết, các năm 2020, 2021, trường tuyển 230, 240 HS nhưng căn cứ theo điều tra số lượng HS lớp 9 trên địa bàn, năm nay toàn thành phố đều tăng nên nhà trường dự trù lên mức 360 em. Nhưng số tuyển sinh thực tế là 400 HS, 10 lớp. Số lượng HS đăng ký rất đông, nhà trường xét thấy đáp ứng được về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên đã làm công văn trình Sở GDĐT Hà Nội và được phê duyệt.

“Thực tế vẫn còn nhiều hồ sơ đăng ký nữa nhưng chúng tôi đành từ chối. Học phí tăng thêm 100 nghìn đồng/tháng so với năm 2021, ở mức 600 nghìn đồng/tháng. Nếu học tăng cường đủ 2 buổi chiều/tuần thì tối đa là 930 nghìn đồng/tháng” - ông Hải chia sẻ và cho biết thêm, Đông Anh là huyện ngoại thành, các gia đình chủ yếu làm nghề nông nên nếu học phí cao thì sẽ rất khó để HS theo học nên nhà trường cân đối mức học phí hợp lý nhất khi tuyển sinh.

Bà Nghiêm Nguyệt Anh - Hiệu trưởng Trường THPT IVS (huyện Thanh Oai) cho biết, năm học 2022-2023, trường tuyển sinh 225 HS THPT theo đúng chỉ tiêu Sở giao, chia thành 5 lớp. Học phí năm nay so với năm ngoái tăng từ 17 triệu lên 18 triệu/năm. Hiện trường đang sắp xếp lớp theo tổ hợp môn các em lựa chọn, mới thu đơn nguyện vọng của các em. “Trường có lợi thế về 2 môn âm nhạc và mỹ thuật với 2 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên mỹ thuật. Dự kiến có 2 lớp chọn học các môn này nên các thầy cô vẫn còn chưa đủ công suất làm việc” - bà Anh cho biết.

Ông Đoàn Văn Thiết - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Thánh Tông ( quận Nam Từ Liêm), hiện trường vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 do vẫn còn khoảng hơn 30 chỉ tiêu theo chỉ tiêu được Sở GDĐT phê duyệt. Học phí năm học này vẫn như năm 2021 là 800 nghìn đồng/tháng. Nếu học thêm buổi chiều thì tùy thuộc vào từng lớp, khoảng 850 nghìn đồng/tháng.

Trước đó, ngày 10/6, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã ký quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 (đợt 2) cho các trường THPT ngoài công lập năm học 2022-2023. Tổng chỉ tiêu đợt 2 các trường THPT ngoài công lập được bổ sung là hơn 1.100 chỉ tiêu lớp 10.

Năm học 2021-2022, thành phố Hà Nội có khoảng 129.000 HS xét tốt nghiệp THCS, tăng 19.000 so với năm ngoái. Trong đó, khoảng 104.000 em có cơ hội tiếp tục bậc học THPT (77.000 chỉ tiêu công lập và 27.000 tư thục).

Toàn thành phố có 109 trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập tuyển sinh HS lớp 10. So với năm 2021, các trường ngoài công lập tuyển 27.000 HS lớp 10, tăng gần 2.000 em.

Theo Sở GDĐT, hiện nay quy mô, mạng lưới các trường ngoài công lập tiếp tục được mở rộng, thu hút ngày càng nhiều HS vào học tại các trường, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân trên địa bàn thủ đô. Các trường ngoài công lập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Thủ đô, góp phần giảm tải cho các trường công lập; nhiều trường đã xây dựng được thương hiệu chất lượng cao được nhân dân tin tưởng.

Thu Hương