Chàng trai 9x 'truyền lửa' tình yêu với trang phục truyền thống
Nguyễn Đức Lộc (31 tuổi, Hà Nội) đã tạo nên những bộ trang phục đậm chất văn hóa truyền thống, lan tỏa tình yêu cổ phục tới nhiều thế hệ.
Ngày nay, khi thế hệ trẻ có xu hướng tìm lại những điều xưa cũ, khám phá văn hóa nguồn cội của dân tộc, Đức Lộc cũng không ngoại lệ. Việc lựa chọn “quay về quá khứ” trong xã hội ngày nay là một thử thách vô cùng khó khăn nhưng đầy thú vị mà anh muốn đi sâu hơn nữa.
Đam mê tạo nên sự khác biệt
Xuất thân là sinh viên Trường Cao đẳng Truyền hình, Đức Lộc rẽ hướng, chọn lối đi riêng nhờ niềm đam mê với trang phục truyền thống. Nói về hướng đi khác biệt của mình, Đức Lộc tâm sự, từ nhỏ anh đã luôn yêu thích việc tìm hiểu lịch sử và thời trang.
Khi lớn lên, anh nghĩ đến việc kết hợp hai sở thích lúc bé, tức là thời trang gắn liền với lịch sử. Nghĩ là làm, anh tìm cách tạo nên những bộ cổ phục “hút mắt”. 4 năm trước, anh thành lập nên thương hiệu cổ phục Ỷ Vân Hiên với bao khát khao, hoài bão cháy bỏng của tuổi trẻ.
Nhớ lại quãng thời gian từ buổi đầu khởi nghiệp, Đức Lộc chia sẻ: “Đấy là chặng đường dài đầy khó khăn, những bước đi loay hoay vì không biết bắt đầu từ đâu khiến mình trăn trở, suy nghĩ nhiều. Không ít lần mình nghĩ đến việc từ bỏ”.
Để biến ước mơ thành sự thật, Lộc từng một mình lặn lội đến những làng nghề, tìm gặp những nghệ nhân để tìm hiểu về văn hóa dân tộc, đặc biệt là những trang phục cổ. Càng tìm hiểu, càng thấy yêu và say mê, anh quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng.
Đến nay, Đức Lộc đã tạo nên khoảng 1.000 bộ cổ phục tái hiện thời kỳ lịch sử qua các triều đại, thiết kế ra những bộ trang phục mang đậm chất văn hóa Việt Nam “nức danh” đất Hà Thành. Các bộ trang phục được tạo nên từ tâm huyết, mồ hôi và cả nước mắt của Lộc được nhiều người yêu thích, lựa chọn bởi tính độc đáo, mới lạ.
Gầy dựng sự nghiệp với cổ phục
Cổ phục Việt là một lĩnh vực thời trang có phần khác lạ và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức đối với người theo. Tài liệu về cổ phục rất ít, hơn nữa người thiết kế cổ phục phải là người thực sự yêu thích nét xưa, am hiểu về từng triều đại lịch sử Việt.
Gian nan là thế nhưng chàng trai 9x không những không nản mà lại càng yêu công việc hơn. Anh coi việc thiết kế cổ phục như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Giám đốc Ỷ Vân Hiên không né tránh mục đích kinh doanh, kiếm sống từ cổ phục bởi anh cho rằng “ai cũng cần phải sống, mình kinh doanh chân chính, đàng hoàng thì có gì phải xấu hổ”. Tuy nhiên, kiếm tiền cũng cần phải có chữ tín nên anh luôn hoạt động hết năng suất để xứng đáng với sự mong đợi của khách hàng và xây dựng một thương hiệu vững mạnh.
Từ một người làm truyền hình, không có kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh nhưng Đức Lộc vẫn luôn cố gắng điều hành Ỷ Vân Hiên một cách chỉn chu nhất. Chính những nỗ lực của anh trong quá trình gây dựng thương hiệu đã thể hiện cái tâm, cái tầm với cổ phục Việt.
“Thời gian đầu, mình gặp đủ khó khăn từ tài chính, nhân sự, tư liệu cho đến cả những lời nhận xét, đánh giá của mọi người. Để có được một doanh nghiệp như bây giờ, mình đã phải gặp gỡ và chia tay nhiều nhân sự bởi họ thiếu niềm tin và định hướng cho tương lai. Sau khi bước qua thời kỳ khó khăn, chúng mình đã cứng cáp hơn và không ngừng cố gắng” - Đức Lộc nhớ lại.
Anh cho biết trong quá trình theo nghề, anh đã nhận lại vô vàn những lời nói tiêu cực về “tuổi thọ” của lĩnh vực này. Đa phần họ cho rằng ngành nghề anh chọn sẽ không “trụ” được lâu vì không có phương hướng cụ thể. Thế nhưng ít ai biết rằng không chỉ kinh doanh mà chàng trai trẻ còn muốn xuất khẩu cổ phục Việt ra quốc tế.
“Nhìn sang thị trường cổ phục Hàn, Nhật, Trung, tôi nhận ra Việt Nam còn khoảng trống lớn cần được khai thác. Ở nước bạn, họ ứng dụng cổ phục trong đời sống thì tại sao Việt Nam chúng ta lại không, điều đó càng thôi thúc tôi đẩy mạnh quảng bá bằng nhiều hình thức” - Giám đốc Ỷ Vân Hiên khẳng định.
Sau 4 năm đi theo tiếng gọi của đam mê, chàng trai gốc Hà Nội bây giờ đây đã gặt hái được nhiều “trái ngọt” khiến bao người mơ ước. Không chỉ “thổi hồn” cho những bộ trang phục cổ, Đức Lộc còn là một minh chứng sống cho câu nói “dám nghĩ, dám làm”, góp phần tiếp thêm động lực, tình yêu trang phục truyền thống đến nhiều thế hệ.