Tìm 'cửa rộng' để xuất khẩu
Tới nay, Việt Nam đã chính thức tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA); đang đàm phán 2 FTA khác là EFTA với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein; và với Israel. Trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết, thì Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) là FTA thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên, đã và đang phát huy hiệu quả, kể từ ngày 14/1/2019 khi hiệp định có hiệu lực.
CPTPP, thuận lợi và thách thức
Trong năm 2021, cho dù nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng CPTPP vẫn tạo ra xung lực rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,55 tỷ USD, mức tăng trưởng đạt 19%. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thì đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới.
Còn theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), năm 2021, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 113,6 tỷ USD, tăng 26,7%, nhập khẩu 24,9 tỷ USD, tăng 14,1%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 138,4 tỷ USD, tăng 24,2%. Đây là khu vực thị trường Việt Nam xuất siêu lớn với giá trị xuất siêu khoảng 88,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong tổng giá trị xuất khẩu, đóng góp của khu vực FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) là tương đối lớn. Ví dụ với thị trường Canada, nếu tính cả dệt may, da giày, đồ gỗ thì khu vực FDI đóng góp tới gần 80% giá trị xuất khẩu. Ông Lương Đức Long (Hiệp hội Xi măng Việt Nam) cho biết, hiện nay thị trường hứa hẹn phát triển trong lĩnh vực vật liệu xây dựng có thể là Chile, Mexico và Peru nhưng khó khăn đối với những thị trường này là vấn đề vận tải do khoảng cách địa lý quá xa. Trong tháng 5 và 6 vừa qua, lượng xuất khẩu xi măng so với cùng kỳ năm 2021 chỉ bằng 50%. Đây là khó khăn chung, ảnh hưởng đến xuất khẩu nói chung và việc xuất khẩu sang các nước CPTPP cũng ảnh hưởng. Năm 2021, tổng lượng xuất khẩu xi măng đến khu vực CPTPP chỉ tăng 4,7%. Trong khi đó, năm cao nhất (2018, trước khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam), tổng lượng xuất khẩu đến khu vực này đạt mức tăng trưởng gần 21%.
Như vậy là, dù nhiều thuận lợi khi tham gia CPTPP, nhưng Việt Nam cũng phải đối diện nhiều thách thức, nhất là với xuất khẩu. Đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, khiến cước vận tải tăng cao, càng làm cho việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn, khi mà nhiều nước tham gia CPTPP cách xa Việt Nam. Vì thế, cùng với việc tận dụng lợi thế khi tham gia CPTPP, thì cũng rất cần linh hoạt khai thác các FTA khác, khi mà độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, tới nay đã gấp đôi GDP.
Vẫn “rộng cửa” cho hàng hóa xuất khẩu
Nếu như năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của ta đạt quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 668,55 tỷ USD, thì liệu năm 2022 sẽ là bao nhiêu?
Theo giới chuyên gia kinh tế, dù năm nay dự báo kinh tế thế giới suy giảm nhưng vẫn “rộng cửa” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và có thể đạt kỷ lục mới.
Tại thời điểm này, điểm đáng mừng là tăng trưởng xuất khẩu đạt cao ở cả 2 khu vực. Khu vực trong nước tăng 2 chữ số (14,2%) - tốc độ tăng hiếm thấy trong nhiều năm qua. Khu vực FDI tăng trưởng 20,8%. Có 36 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 7/2022, có 54 tỉnh/thành xuất nhập khẩu tăng, trong đó có 14 địa phương có mức tăng trên 1 tỷ USD. 52/86 thị trường Việt Nam ở vị thế xuất siêu, trong đó có 18 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD.
Thông tin mới nhất cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 431 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD). Riêng xuất khẩu, 7 tháng qua kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%. Về nhập khẩu, 7 tháng ước đạt 215,59 tỷ USD, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%.
Cũng trong thời gian này, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,6 tỷ USD.
Như vậy, còn 5 tháng của nửa cuối năm 2022, hy vọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng, với kỳ vọng vượt mức kỷ lục đã đạt vào năm 2021.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, những tháng còn lại của năm 2022, Việt Nam cũng cần rất chú ý tới việc lạm phát đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là EU và Hoa Kỳ đang phải chịu sức ép rất lớn về lạm phát, lần lượt là 8,6% và 9,1%. Nếu lạm phát tại EU và Hoa Kỳ vẫn neo cao thì xuất khẩu của Việt Nam vào hai thị trường này có thể sẽ không đạt như kỳ vọng.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Tính chung nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 28,4%). Điểm nhấn là khu vực kinh tế trong nước đã có sự hồi phục mạnh mẽ sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19. Với con số ước đạt 49,26 tỷ USD, khu vực này đóng góp 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.
Ngoài hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì 6 tháng của năm 2022, EU đạt 23 tỷ USD, tăng 22%; ASEAN đạt 17,7 tỷ USD, tăng 27,4%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 18,5%; Nhật Bản đạt 11,48 tỷ USD, tăng 13,9%.