Khói bay lên trời
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với nhiều hình thức vi phạm cũng như mức độ xử lý. Trong đó, đáng chú ý là mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. Mức tiền phạt không hề thấp: từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Ở đây, khái niệm “phụ phẩm cây trồng” có thể được hiểu là rơm rạ.
Trước đó, ngày 9/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng này. Theo Bộ TNMT, bên cạnh những nguyên nhân làm ô nhiễm không khí như khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp, yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa, thì có nguyên nhân không nhỏ từ hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
Để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí hiệu quả, Bộ TNMT đặc biệt lưu ý tới trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở.
Việc đốt rơm rạ vẫn được cho là kinh nghiệm của người nông dân, nhất là nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, khi chuẩn bị đất cho mùa vụ mới. Khi mùa vụ đã vãn, không khó để thấy những cột khói bốc cao từ những đống rơm rạ bị đốt trên các vuông ruộng, kể cả ngay bên đường. Thường thì vào cuối buổi chiều, chúng sẽ được đốt. Vì vậy, khói bụi, trong đó có bụi mịn PM2.5 gây hại cho sức khỏe bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và lơ lửng trong không trung cho tới tận 1 giờ sáng hôm sau. Gió sẽ đưa khói bụi tỏa ra, gây ô nhiễm trên diện rộng, có khi dẫn tới chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và kém.
Vì sao không khí tại các đô thị bị ô nhiễm nặng hơn vào ban đêm? Theo giới chuyên gia môi trường, đến gần tối, khi mặt đất nguội đi, phát ra bức xạ hồng ngoại gây “nghịch nhiệt” sát mặt đất kết hợp với điều kiện lặng gió, nên khói từ việc đốt rơm rạ không thể phát tán mà lơ lửng trong không khí.
Bụi siêu mịn PM2.5 còn được coi là "sát thủ âm thầm" bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh tiểu đường. Bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Đáng chú ý, bụi mịn có thể khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng bỗng nhiên tạo ra nghẽn mạch, bị vỡ, gây nhồi máu cơ tim, dẫn tới đột quỵ.
Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2016 cho biết, trung bình mỗi năm ô nhiễm không khí do bụi mịn liên quan tới cái chết của 60.000 người Việt Nam (toàn thế giới là 7 triệu người).
Như vậy, việc phạt nặng đối với hành vi đốt rơm rạ cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính là điều cần thiết, để chặn một trong những nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí, tác hại xấu tới sức khỏe con người.
Tuy nhiên, để hạn chế dẫn đến thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch và cũng để chuẩn bị cho vụ mùa mới, thì cùng với ý thức của người nông dân cũng rất cần trách nhiệm của chính quyền cơ sở, mà ở đây là chính quyền thôn, xã. Người Việt ta vốn trọng tình làng nghĩa xóm nên dễ thông cảm, bỏ qua cho nhau. Việc đốt rơm rạ cũng vậy, dù cơ quan chức năng đã nhiều lần ra văn bản nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế, cái chính cũng là từ chỗ nể nang. Cán bộ thôn xã bỏ qua cho người làng do là “chỗ quen biết”, nhưng còn là do họ không coi đó là hành vi tác động xấu tới môi trường không khí.
Vì vậy, việc trước tiên là phải thay đổi được nhận thức của người dân cũng như cán bộ thôn xã, rằng không phải cứ khói bay lên trời là xong. Mà cần biết rằng thói quen canh tác cũ từ việc đốt rơm rạ sau thu hoạch tác động xấu đến môi trường không khí, gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Như đã nói, việc quy định mức phạt hành chính cao (từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng) đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông là cần thiết; tuy nhiên cũng cần đề phòng việc lạm quyền và không công bằng khi xử phạt người vi phạm. Ví dụ như việc xác định thế nào là gần khu dân cư (phạm vi bao nhiêu mét) là khá mơ hồ.