Tọa đàm về nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận
Nêu bật vai trò, nhiệm vụ, đóng góp to lớn cùng những khó khăn mà các thành viên của Ban công tác Mặt trận cơ sở là thông điệp trọng tâm của buổi tọa đàm.
Chiều 2/8 tại TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre), Cụm thi đua MTTQ VN các tỉnh Bắc Sông Hậu (gồm Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long) đã tổ chức buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận” nhằm nêu bật vai trò của Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố. Chủ trì buổi tọa đàm có ông Võ Văn Thiện, Trưởng Ban Công tác phía Nam UBTƯ MTTQ VN; bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch MTTQVN tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch MTTQ VN tỉnh Tiền Giang.
Theo bà Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch MTTQ VN tỉnh Bến Tre, Ban công tác Mặt trận ở ấp, khu phố được xem là một cánh tay nối dài của Ủy ban MTTQ VN cấp xã phường và có chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng. Theo đó, Ban công tác Mặt trận phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của MTTQ VN có tổ chức, đại diện tại khu dân cư. Các Ban công tác Mặt trận có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tổ chức để nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động do MTTQ VN chủ trì, phát động.
Bà Phượng cũng cho biết, hiện cụm Bắc Sông Hậu với 6 tỉnh có 5.176 Ban công tác mặt trận với 44.175 thành viên. Các Ban công tác mặt trận đã tích cực phối hợp với các trưởng ấp, khu phố, khu dân cư... đổi mới phương thức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giải quyết các vướng mắc phát sinh trên địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, Ban công tác Mặt trận còn thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tham gia các hoạt động chung khu dân cư, gắn với mô hình hay, cách làm mới, phát huy khối đoàn kết, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới cần nhân rộng như “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư sáng xanh sạch đẹp”, “Khu dân cư không có tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội”... Ngoài ra, Ban công tác Mặt trận cũng phối hợp, thực hiện nhiều mô hình dân vận khéo, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Có thể kể đến các mô hình như “Camera an ninh”. “Tiếng loa an ninh”, “Xóm đạo bình yên”, “Vận động xây dựng giao thông nông thôn mới”... Có thể nói, những kết quả trên đã góp phần giúp các Ủy ban MTTQ VN các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Phượng, các Ban công tác Mặt trận cũng còn bộc lộ một số hạn chế như một số nơi còn chưa duy trì sinh hoạt định kỳ, chưa đưa ra chương trình hoặc kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đúng theo điều lệ, chưa quan tâm đến việc động viên nhân dân thực hiện nghĩa vụ giám sát, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tổng hợp kiến nghị của nhân dân. Một số phong trào còn chung chung, chưa sát thực với đời sống người dân...
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch MTTQ VN huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, huyện Bình Tân hiện có 70 Ban công tác Mặt trận ở ấp, khóm với 420 thành viên. Các thành viên có vai trò trực tiếp vận động, tập hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ VN chủ trì phát động. Ngoài vấn đề tuyên truyền, ở huyện Bình Tân thì Ban công tác Mặt trận còn trực tiếp tham gia giải quyết những vướng mắc nảy sinh ở địa bàn dân cư; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và nhân dân với cấp ủy, chính quyền và Uỷ ban MTTQ VN cấp xã xoay quanh các vấn đề như: giá cả hàng nông sản không ổn định; chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp;... Cũng theo ông Sáu, ngoài các thành quả đạt được thực tế cho thấy hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở ấp, khóm vẫn còn một số mặt hạn chế như: Công tác tham mưu cho chi ủy, chi bộ lãnh ở một số nơi còn chưa cụ thể; chưa kịp thời nắm bắt, kiến nghị và phối hợp giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Một số nội dung kiến nghị còn chung chung, chưa theo sát việc giải quyết của các cơ quan liên quan đến nội dung đã kiến nghị.
Nói về khó khăn và thuận lợi của những cá nhân tham gia Ban công tác mặt trận, ông Thái Văn Quý, Chủ tịch MTTQ VN huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết, với đặc thù là địa bàn giáp ranh với TPHCM và được quy hoạch là huyện đô thị trong thời gian tới nên công tác Mặt trận ở địa phương có nhiều đặc trưng. Theo đó, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bến Lức và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, chương trình phối hợp và thống nhất hành động góp phần cùng cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Ông Quý cho hay, toàn hiện huyện Bến Lức có 94 Ban công tác mặt trận khu dân cư; với sự tham gia của 937 thành viên. Tuy phụ cấp của Ban công tác mặt trận rất thấp, chỉ từ 1,2 triệu đồng/tháng cho tới 2,4 triệu đồng/tháng nhưng lại phải tham gia nhiều hoạt động. Cụ thể hơn, như địa bàn huyện Bến Lức thời gian qua đã chuyển đổi, quy hoạch nhiều khu vực thành khu đô thị, khu công nghiệp, dự án hạ tầng nên Ban công tác Mặt trận đã tích cực vận động người dân đồng thuận, đồng hành cùng các chính sách, quyết định của địa phương để giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm đúng theo kế hoạch.
Ngoài ra, các phong trào như đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” hay các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Quỹ “Vì người nghèo”, Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,... đều được phát huy mạnh mẽ qua hệ thống truyền thanh, nhóm trên mạng zalo, fanpage... để nhanh chóng đưa chính sách tới với người dân.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Võ Văn Thiện, Trưởng Ban Công tác phía Nam cho rằng, các tham luận trình bày hội nghị đều sát thực tiễn, đã cung cấp rất nhiều mô hình mới, cách làm hay được triển khai thời gian qua ở từng ấp khóm khu dân cư cụ thể. Đặc biệt, ông Thiện cũng bày tỏ sự cảm ơn tới các các vị tham gia ở Ban công tác Mặt trận, bởi đây là những người gần dân nhất, vất vả nhất, gắn bó nhất, tâm huyết nhất với công tác mặt trận nhưng thu nhập cũng eo hẹp nhất. Nhưng vượt lên những điều kiện làm việc khó khăn, các thành viên của Ban công tác Mặt trận đã không quản ngày nắng đêm mưa truyền tải kịp thời các chủ trương chính sách, các cuộc vận động, phong trào tới đông đảo tầng lớp nhân dân. "Chúng ta có được các khu dân cư văn hóa, những con đường nông thôn xanh sạch đẹp, những khối dân cư đoàn kết, những xóm làng yên bình là nhờ có công đóng góp của những người làm ở Ban công tác Mặt trận.", ông Võ Văn Thiện chia sẻ.
Ông Võ Văn Thiện cũng thông tin thêm rằng có thể cuối năm nay, Ủy ban Trung ương MTTQ VN sẽ có chương trình tôn vinh các cá nhân làm công tác Mặt trận tiêu biểu ở khu dân. Ông Thiện cũng mong muốn các cá nhân đang công tác ở Ban công tác Mặt trận tiếp tục làm tốt hơn nữa công việc của mình để xây dựng khối đại đoạn kết toàn dân cũng như công tác mặt trận trên chính quê hương của mình.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, tất cả các tham luận ở buổi tọa đàm đều ý nghĩa, thiết thực. Ban tổ chức sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các tham luận nhằm đánh giá những nội dung trọng tâm cần trao đổi cũng như tham mưu cho chính quyền các cấp cùng Ủy ban Trung ương MTTQ VN để có những biện pháp giải quyết phù hợp, thỏa đáng. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng cho rằng quan trọng nhất của hoạt động Mặt trận cơ sở là con người. Theo tổng kết cá nhân của mình, bà Nhung đánh giá tại các Ban công tác Mặt trận cơ sở nếu chọn được một cá nhân đủ uy tín, tâm huyết, sức khỏe làm Trưởng ban thì sẽ phát huy được tốt nhất vai trò của Ban công tác Mặt trận.