Hỗ trợ để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Mặc dù ảnh hưởng lớn từ những biến động của kinh tế thế giới, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn là phân khúc tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư vào khu chế xuất – khu công nghiệp Việt Nam cũng không đơn giản.
Thu hút lượng lớn các nhà đầu tư
GS. TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đầu tư vào các khu công nghiệp - khu chế xuất tại Việt Nam. Điều này thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ngày càng tăng lên. Thực tế ghi nhận, Đông Nam bộ vẫn là khu vực phát triển khu công nghiệp mạnh nhất, trong đó có TP HCM.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Nhận định về vốn đầu tư vào các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư thành phố cho biết, hiện nay có nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm điểm đến và nhiều nhà đầu tư lớn của châu Âu, Mỹ, Canada cũng đang khảo sát môi trường đầu tư của Việt Nam để quyết định lựa chọn.
Tính đến nay TP HCM là một trong những địa phương có lượng thu hút vốn FDI cao nhất với gần 11.000 dự án và tổng vốn đầu tư đạt gần 54 tỷ USD.
Chia sẻ về kế hoạch thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM khẳng định, thành phố chủ trương thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc bền vững, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, áp dụng công nghệ hiện đại thân thiện môi trường.
“Nếu như trước đây tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 50%, thì sau này tăng lên 60%, những nơi năng động như Đông Nam bộ tỷ lệ lấp đầy có thể lên đến 70%” - ông Đặng Hùng Võ dẫn chứng.
“Thị trường bất động sản công nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng. Trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện rất tốt trong việc khuyến khích các công ty đến Việt Nam cũng như đưa ra ưu đãi thuế cho các công ty công nghệ, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh” - ông John Campbell - Phó Giám đốc Bộ phận dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết.
Cần chính sách hỗ trợ, cải thiện đầu tư
Mặc dù thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp - khu chế xuất, tuy nhiên nhiều quan điểm cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ để việc triển khai đầu tư hiệu quả hơn. Đơn cử, tại TP HCM cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định; Cấp mới dự án còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, nộp trực tuyến giảm còn 8 ngày… Ngoài ra, hàng năm, thành phố còn đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc hoặc có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
“Các khu công nghiệp lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn” - GS. TS Đặng Hùng Võ nhận định.
Cũng theo ông Võ, chủ trương tích hợp các khu công nghiệp với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các khu công nghiệp. Sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các khu công nghiệp không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dựa vào điều kiện thực tế, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, các khu chế xuất - khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ở một số tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển, thu ngân sách từ các khu công nghiệp chiếm hơn 60% tổng thu ngân sách.
Để thu hút được các nhà đầu tư vào khu chế xuất - khu công nghiệp, Việt Nam cần phải giúp các nhà đầu tư tiếp cận được các thông tin liên quan đến chính sách đầu tư, hướng dẫn lộ trình để nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư. Đồng thời, giải đáp kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư đang gặp phải trong quá trình hoạt động.
“Ngoài ra, các khu chế xuất - khu công nghiệp phải đảm bảo về logistics, hạ tầng, khoảng cách từ cung đến cầu phải thuận tiện, điều kiện học hành, nghiên cứu đều phải đầy đủ. Việt Nam nên khuyến khích mô hình này, đây là những mô hình đầu tư khu công nghiệp hiện đại mà các nước đã và đang làm” - ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.