Đẩy mạnh chi trả điện tử trong lĩnh vực an sinh xã hội
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ước tính tổng chi trả chính sách và các chương trình trợ giúp xã hội khoảng 5 tỷ USD/năm. Trong khi đó, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, lượng công việc ngày càng quá tải với các cơ quan chức năng.
30% dân số cần trợ giúp xã hội
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó có 11,9 triệu người cao tuổi, khoảng 1,227 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 2,23% hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, 3,37% hộ cận nghèo, hơn 3,5 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm. Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Nhằm tăng tăng cường quản lý và thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 với mục tiêu là: Ứng dụng CNTT trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân; góp phần cải cách thủ tục hành chính; xây dựng CSDL an sinh xã hội đồng bộ, thống nhất, bảo đảm quản lý, cập nhật, khai thác thông tin an sinh xã hội chính xác, kịp thời, minh bạch và hiệu quả; đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý của các cấp, các ngành và đối tượng có liên quan.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, kinh phí chi trả cho lĩnh vực người có công khoảng 35.000 tỷ đồng/năm, lĩnh vực bảo trợ xã hội khoảng 22.000 tỷ đồng/năm, chi trả lương hưu với khoảng 2,7 triệu người cũng hơn 100.000 tỷ đồng/năm.... Tổng chi trả chính sách và các chương trình trợ giúp xã hội ước tính 5 tỷ USD/năm.
Trong khi đó, các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cũng ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, lượng công việc ngày càng quá tải với các cơ quan chức năng. Việc thí điểm chi trả, thanh toán chế độ không dùng tiền mặt áp dụng tại một số bộ, ngành, địa phương đã cho thấy những lợi ích rõ rệt, thuận tiện cho người thụ hưởng, đảm bảo chính sách minh bạch hơn, chống tiêu cực.
“Thanh toán điện tử trong thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội là xu thế mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người thụ hưởng, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, tiện lợi và về lâu dài giúp họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn” - ông Hồi nhấn mạnh.
Nhiều điều kiện để triển khai diện rộng
Thực hiện hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội, Bộ LĐTBXH đã tổ chức thí điểm: Năm 2019, thực hiện tại 2 huyện ở Cao Bằng và mở rộng toàn tỉnh trong năm 2021. Năm 2021, thực hiện trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn TP Hồ Chí Minh và 2 huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn. Năm 2022 và năm 2023, dự kiến mở rộng thực hiện trên toàn quốc.
Tại Việt Nam, về hành lang pháp lý, theo đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Việt Nam đang triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money); đã có hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử eKYC (Thông tư 16/2020/TT-NHNN, Thông tư 17/2021/TT-NHNN); có các tiêu chuẩn về thanh toán QR code, tiêu chuẩn thẻ chip và đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động fintech.
Tính đến tháng 3/2022, có hơn 1,1 triệu khách hàng sử dụng mobile money, trong đó hơn 60% là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, thanh toán Internet tăng 48,39% về số lượng và 32,76% về giá trị; thanh toán qua mobile tăng 97,65% về số lượng và 86,68% về giá trị.
Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam triển khai chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.