Vì sao những tháng đầu năm 2022 tỉnh Quảng Trị giải ngân vốn chậm?
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã có ý kiến về việc giải ngân vốn của tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2022 chậm và thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
Theo đó, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Mình đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Tổ công tác số 1 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, kế hoạch đầu tư công do tỉnh quản lý năm 2022 là 3.458,93 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 3.410,634 tỷ đồng, đạt 98,6% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao.
Tính đến ngày 31/7, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư công là 1.037,772 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, trong đó: Ngân sách địa phương cân đối giải ngân 731,712 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch HĐND tỉnh giao; Ngân sách trung ương hỗ trợ giải ngân 306,06 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ông Võ Văn Hưng cho biết thêm, tại báo cáo số 5265/BKHĐT-TH ngày 29/7/2002, số liệu ước giải ngân 7 tháng của tỉnh Quảng Trị là 24,41% nhưng số liệu của địa phương theo dõi là 30%, tuy có thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (34,47%) nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so với dự ước của Bộ Tài chính.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân có sự chênh lệch là do vốn nước ngoài được Bộ Tài chính tổng hợp theo số ghi thu ghi chi nhưng địa phương tổng hợp là số kiểm soát chi, được Kho bạc nhà nước tỉnh xác nhận khối lượng với chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, vốn ngân sách địa phương có một số nguồn không hạch toán qua Kho bạc nhà nước nên Bộ Tài chính không ghi nhận được số liệu giải ngân.
Đồng thời, ông Võ Văn Hưng cho rằng, nguyên nhân giải ngân chậm vào những tháng đầu năm tại tỉnh Quảng Trị một phần do thời tiết những tháng đầu năm các tỉnh miền Trung mưa nhiều, lũ lụt bất thường đã ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ thực hiện các công trình, dự án; các dự án nạo vét lòng hồ để cung cấp đất đắp phục vụ các công trình chưa triển khai được do mực nước còn khá cao; giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng mạnh và thiếu hụt nguồn đất đắp, đất san lấp đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và giải ngân của nhiều dự án…
Cũng tại hội nghị, ông Võ Văn Hưng khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn nêu trên; đồng thời, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh xác định với quyết tâm giải ngân hết nguồn vốn được giao trong kế hoạch năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương quan tâm, giúp đỡ cho tỉnh hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân các hạng mục Sửa chữa tràn xả lũ Nam Thạch Hãn (giai đoạn 3); đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ Ngành có liên quan cắt giảm các thủ tục cấp, khai thác mỏ, khai thác phần âm; đề nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản cho phép tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng vốn đối ứng được cấp và huy động sự đóng góp của người hưởng lợi để mua sắm vật tư hàng hóa…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao việc 7 bộ, cơ quan Trung ương và 4 địa phương cam kết giải ngân hết số vốn được giao năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh sự khác biệt nằm ở sự vào cuộc quyết liệt của mỗi bộ, ngành và địa phương vì cùng một mặt bằng thể chế, vẫn có bộ, cơ quan và địa phương đạt tỉ lệ giải ngân tốt. Đặc biệt, có những cơ quan, địa phương đã ra khỏi danh sách có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước sau phiên họp vào tháng 5 vừa qua.
Trường hợp không giải ngân được, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn cho các bộ, cơ quan, địa phương khác đang cần vốn để triển khai.