Làm phim truyền hình trong bối cảnh mới: Khó khăn, thách thức và cơ hội
Làm phim trong thời kỳ mới bên cạnh những khó khăn, thách thức, thông qua tác phẩm, các đạo diễn có thêm cơ hội để truyền tải thông điệp của mình.
Bên cạnh thay đổi kịch bản, cách làm phim để phù hợp với thị hiếu người xem, đạo diễn phim truyền hình góp phần không nhỏ vào việc mang lại diện mạo mới cho phim Việt.
Đổi mới vừa là thách thức vừa là cơ hội
Không chỉ có điện ảnh, phim truyền hình cho thấy sức sống dai dẳng khi đối mặt với làn sóng của đại dịch. Gần 1 năm từ thời điểm dịch Covid -19 bùng phát, phim truyền hình vẫn phát huy được những điểm mạnh vốn có. Bên cạnh những tác phẩm lấy đề tài về tình yêu, gia đình, phim truyền hình bám sát với thực tế, phản ánh đời sống của người dân trong đại dịch.
Trước những lo lắng về nguy cơ “chết yểu” của những bộ phim truyền hình Việt như: "Người phán xử", "Về nhà đi con", "Cả một đời ân oán", "Hoa hồng bên ngực trái"... những người làm phim đã chứng minh cho khán giả thấy họ đã “không bị ngủ quên trên chiến thắng”. Điều này vừa phản ánh nỗ lực của đạo diễn - ekip làm phim vừa thể hiện tư duy nhạy bén của họ trong việc ứng phó với nghịch cảnh.
Bằng cách này hay cách khác, những nỗ lực của người làm phim đã và đang được khán giả đón nhận và ủng hộ. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, đạo diễn Bùi Quốc Việt cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến ngành điện ảnh - truyền hình lấy lại tinh thần nhanh sau thời kỳ khủng hoảng vì dịch Covid -19 là sự mong mỏi, chờ đợi, yêu mến của khán giả.
“Dịch bệnh tới, mang theo nhiều những tổn thất, đau thương, hơn bao giờ hết, chúng ta cần liều thuốc chữa lành tinh thần để mạnh mẽ chống lại đại dịch. Chính tình cảm và sự mong mỏi của khán giả là động lực giúp anh em trong nghề nâng cao tinh thần để cống hiến, giúp ngành điện ảnh truyền hình nhanh chóng vực dậy sau đại dịch covid 19”, đạo diễn Bùi Quốc Việt nói.
Theo đạo diễn Bùi Quốc Việt, việc thay đổi kịch bản để phù hợp với thị hiếu người xem vừa tạo cơ hội, vừa là thách thức với những người làm phim truyền hình. Cơ hội được lắng nghe khán giả và hồi đáp bằng những nội dung được thay đổi để đến gần hơn với mong đợi của công chúng. Nhưng, đó cũng chính là thách thức. Đội ngũ làm phim cần giữ vững được lập trường, quan điểm nghề nghiệp, đồng thời cần dung hoà với mong muốn của khán giả.
“Góc nhìn của những người làm nghề và góc nhìn mong muốn của khán giả không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Đó chính là thách thức lớn với những người làm nghề trong việc dung hoà giữa cái khán giả muốn và cái những người làm phim cần”, nam đạo diễn nhấn mạnh.
Nhìn nhận về những thách thức của ngành điện ảnh và lĩnh vực truyền hình nói riêng, đạo diễn Bùi Quốc Việt chia sẻ: “Ngày nay, khán giả có quá nhiều lựa chọn giải trí đa dạng, đây cũng là thách thức với những người làm phim truyền hình. Đòi hỏi những người làm phim luôn phải cập nhật xu hướng thế giới, cập nhật xu hướng khán giả, đổi mới không ngừng trong nội dung.
Tuy nhiên, mặc dù gây cản trở nhưng đây cũng được xem là “cuộc chiến” sòng phẳng bởi khi được chạy trên đường đua có nhiều đối thủ mạnh sẽ tạo nên động lực để những người làm phim có thêm hứng khởi cho việc sáng tạo tác phẩm”.
Nghệ thuật hướng đến điều ý nghĩa
Đạo diễn Bùi Quốc Việt cho rằng, khó có thể đong đếm những khó khăn của lĩnh vực truyền hình. Bởi lẽ, ngành nghề nào cũng có những khó khăn riêng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với điện ảnh, truyền hình lại tồn tại nhiều trong khâu sản xuất, yếu tố đầu tiên phải kể đến là chi phí đầu tư có hạn, áp lực cạnh tranh lớn.
Thừa nhận sự khó khăn trong quá trình sản xuất phim truyền hình trong bối cảnh mới, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, lĩnh vực truyền hình ngày nay phải đối mặt với những áp lực khắc nghiệt.
“Trong thời đại mở, điện ảnh nói chung và truyền hình nói riêng phải đối mặt với áp lực khắc nghiệt bởi ngành nghệ thuật còn bị ảnh hưởng bởi kinh phí (tiền), công nghệ, và chính sách… Chính vì bị trói buộc, điện ảnh - truyền hình phải luôn đồng hành và ảnh hưởng từ sự phát triển của xã hội bản địa và về mặt kinh tế, văn hoá - xã hội - chính trị”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.
Để thích nghi với tình hình mới, tiêu chí lựa chọn diễn viên cũng là điều khiến các đạo diễn trăn trở. Với đạo diễn Bùi Quốc Việt có rất nhiều tiêu chí để anh lựa chọn diễn viên phù hợp, tuy nhiên nam diễn viên đề cao thái độ làm nghề, tiếp theo là hợp vai, khả năng hoá thân vào nhân vật, biên độ cảm xúc lớn cũng là một lợi thế.
“Diễn viên là những người xuất hiện trên màn ảnh, trực tiếp truyền tải nội dung, nói lên thông điệp của bộ phim, bởi vậy họ cũng phải chịu nhiều áp lực và yêu cầu cao từ đạo diễn. Nhưng lửa thử vàng, áp lực tạo nên kim cương”, đạo diễn Bùi Quốc Việt lý giải.
Theo một số đạo diễn những khó khăn còn tộn đọng liên quan đến việc ở Việt Nam không có phim trường, vì vậy các bối cảnh quay thường là thuê hoặc mượn cảnh thật. Diễn viên thường phải diễn nhảy cóc, không có sự liền mạch. Thực tế, hiện nay diễn viên đóng phim truyền hình có phần “oan ức” bởi họ chưa được làm việc đúng chuẩn.
Dưới góc độ là những người làm nghệ thuật, đạo diễn Bùi Quốc Việt và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đề cao sự đón nhận và đồng cảm từ khán giả.
“Bất kể người làm nghệ thuật nào cũng mong muốn kể 1 câu chuyện có ý nghĩa và làm cuộc sống này tốt đẹp hơn, có thể sẽ qua cách kể, lăng kính khác nhau. Nhưng tôi vẫn tin người làm nghệ thuật nào cũng hướng đến những điều ý nghĩa cho cuộc sống mỗi ngày tốt đẹp hơn. Dù chọn hình thức thể hiện là thể loại kinh dị hay bạo lực thì người làm nghệ thuật cũng muốn khắc hoạ những ghê rợn để người ta sợ, người ta tránh. Từ đó góp phần xây dựng xã hội thêm phần tốt đẹp hơn”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định.