Thủ tướng yêu cầu '4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh'
Ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép
Phiên họp được kết nối trực tuyến xuống tới các địa phương. Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 7 và 7 tháng tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ, cơ bản ổn định so với cùng kỳ từ năm 2018 đến nay; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý; tín dụng tăng 9,42% so với cuối năm 2021 và tăng 16,6% so với cùng kỳ; các cân đối lớn được bảo đảm thu ngân sách nhà nước ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1%.
Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đã phục hồi, mở rộng sản xuất. Chỉ số IIP tháng 7 tăng 1,6% so tháng trước, tăng 11,2% so với cùng kỳ và 7 tháng tăng 8,8%; 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 7 tháng tăng. Như vậy, IIP tăng ở mức cao trong 6 tháng liên tiếp. Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 7 đạt 51,2 điểm, đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp đạt trên 50 điểm kể từ tháng 10/2021. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định. Lĩnh vực thủy sản tăng trưởng tích cực, sản lượng 7 tháng tăng 2,4%.
Nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước. Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng. Số ca mắc Covid-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan. Do đó, cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, phát huy kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.
“4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”
Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu, “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”. Theo đó, “4 ổn định” gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
“3 tăng cường”, theo Thủ tướng gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Việc tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả rất có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ hiện nay.
Thủ tướng cũng lưu ý đến “2 đẩy mạnh”, gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.
Bên cạnh đó, “1 tiết giảm” là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Còn “1 kiên quyết không” là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Thủ tướng cũng yêu cầu, tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài. Chú trọng phát triển văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Tại phiên họp, gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình 3 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát đã dũng cảm hy sinh trong vụ cháy gần đây tại Hà Nội, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy.