Nghệ An: Bỏ hoang hơn 20.000ha đất trồng lúa
Những năm gần đây, tại Nghệ An thực trạng người nông dân bỏ ruộng trong vụ hè thu liên tục gia tăng. Hàng trăm héc ta ruộng lúa bị bỏ hoang khiến nguồn tài nguyên đất bị lãng phí. Không chỉ vùng đất khô cằn, mà ngay cả những diện tích được xem là “bờ xôi, ruộng mật” cũng cùng chung số phận.
Hang nghìn héc ta đất ruộng bỏ hoang
Trừ đi diện tích gần 200ha ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai như mưa lũ, thì tại huyện Yên Thành - nơi được xem là “vựa lúa”, hàng năm có trên 300ha diện tích đất nông nghiệp đáp ứng đầy đủ các yếu tố, nhưng người nông dân vẫn bỏ hoang, không sản xuất vụ hè thu.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Yên Thành, thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, riêng năm 2022, do ảnh hưởng của vật giá tăng cao, trên địa bàn có hơn 500ha diện tích đất ruộng, người dân không sản xuất.
Đơn cử như tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, theo số liệu, toàn xã này có 538ha đất sản xuất lúa, nhưng vụ hè thu này chỉ gieo cấy được 90ha, số diện tích không sản xuất khoảng 100ha. Rồi đến các xã như Lăng Thành, Thọ Thành, Phú Thành, Hợp Thành… mỗi địa phương có khoảng từ 40 - 50ha diện tích đất vụ hè thu không sản xuất, thậm chí có nhiều nơi bỏ hoang hơn nửa năm, dẫn đến lãng phí.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại huyện Quỳnh Lưu, nơi hiện có trên 640ha diện tích đất ruộng bị bỏ hoang vụ hè thu. Có mặt tại xã Quỳnh Hưng, chúng tôi bắt gặp nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang, cỏ mọc.
Ông Nguyễn Văn Thắng - một người dân ở đây cho biết: Việc bỏ ruộng này hầu như năm nào cũng có, nhưng năm nay nhiều hơn. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu chung lại thì làm ruộng, nhất là vụ hè thu thua lỗ nhiều, sau hơn 3 tháng gieo cấy, gặt hái nếu quy ra tiền là bằng không.
Cùng chung suy nghĩ, bà Đinh Thị Tứ - trú xóm 2 xã Quỳnh Hưng cho biết: Việc người dân chúng tôi bỏ vụ hè thu cũng vì chi phí đầu vào đắt đỏ. Theo giá hiện nay, nếu thuê cày 1 sào ruộng tốn 200.000 đồng, phân đạm tăng 40%,… Trong khi đó, với diện tích đó, để vụ lúa chét (lúa tái sinh) cũng có 1 tạ/1 sào ruộng, lại không phải chăm bón.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Quỳnh Lưu, vụ hè thu năm 2022, địa phương này có hơn 640ha diện tích đất ruộng không sản xuất. Trong đó, có nhiều xã có số diện tích đất bỏ hoang nhiều như xã Ngọc Sơn 85ha, Quỳnh Hậu 78ha, Quỳnh Tân 70ha, Quỳnh Văn 65ha… Ngoài ra, các huyện như Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, TP Vinh, Nghi Lộc… cũng xảy ra thực trạng dân bỏ ruộng. Điều đáng nói, không chỉ các cánh đồng ở vùng bán sơn địa, điều kiện tưới tiêu khó khăn, hay vùng sâu trũng thường ngập lụt, mà cả diện tích đất lúa, vốn chủ động được nước tưới nhưng người dân vẫn bỏ hoang, không sản xuất trong vụ hè thu. Hầu như mỗi năm bà con chỉ sản xuất 1 vụ lúa xuân để đủ lương thực cho cả năm.
Đâu là nguyên nhân
Việc người nông dân bỏ ruộng là một thực tế đáng báo động, nguyên nhân chủ yếu được xác định là việc trồng lúa không mang lại lợi nhuận, nghĩa là không sống được với nghề. Xét cụ thể thì vụ hè thu theo tính toán của người nông dân chi phí đầu tư vào cho 1 sào ruộng cao hơn vụ đông xuân. Cụ thể, để sản xuất 1 sào lúa hè thu, chi phí thuê công cày, cấy, vật tư, giống, thuốc BVTV… hết khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu thuận lợi, thu về 2,5 tạ lúa/sào, với giá thị trường hiện nay gần 700.000 đồng/tạ, thu về chỉ 1,7 triệu đồng, còn lãi 200.000 đồng. Tuy nhiên, nếu gặp rủi ro do thiên tai, sâu bệnh… ảnh hưởng đến năng suất là lỗ vốn.
Bên cạnh đó, đa số bà con nông dân cho rằng, giải pháp cốt yếu nhất là hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cần làm tốt vai trò của mình, nhằm cung ứng các loại dịch vụ đầu vào cho nông dân và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm. Một vấn đề nữa, hiện nay ruộng vẫn còn manh mún và chưa đa dạng cây trồng, do vậy giải pháp khép kín cây trồng vụ hè thu là cần tiếp tục dồn điền đổi thửa, từ đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo từng vùng cho phù hợp, tạo hàng hóa tập trung và không nhất thiết phải làm lúa, để thuận lợi cho liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Nhận định này cũng được nhiều cán bộ nông nghiệp xác nhận. Theo ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND phường Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai cho biết: Thực trạng người dân bỏ sản xuất vụ hè thu ngày càng tăng. “Trên địa bàn có 270ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hơn 90ha người dân bỏ không sản xuất. Mặc dù chính quyền luôn tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con gieo cấy, nhưng vì làm không có lãi, nên người dân không mặn mà sản xuất. Biết bỏ ruộng hoang là lãng phí, nhưng người dân cũng tính kỹ lời lãi nên ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều” - ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp, UBND huyện Yên Thành cho biết: Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản vẫn là người dân hiện không mặn mà với sản xuất lúa vụ hè thu, bởi ngoài chi phí tăng cao, thì hiện nhiều diện tích đất lúa vẫn còn manh mún. Trong khi, người dân trên địa bàn xã có nhiều nghề kiếm ra tiền hàng ngày, nên bà con bỏ sản xuất mùa vụ hè thu, thậm chí họ giờ chỉ làm đúng 1 vụ để dùng cả năm. Trước thực trạng này, nhiều năm qua tỉnh Nghệ An đề ra nhiều giải pháp nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững và nông dân làm nông nghiệp có lãi như tăng cường liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp… Song, hiện nay các mô hình này vẫn đang rất ít, người dân vẫn “tự bơi” là chính.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, địa phương này hiện có 84.000ha đất sản xuất 2 vụ lúa/năm. Riêng vụ hè thu 2022, toàn tỉnh chỉ gieo trồng 60.850ha, nghĩa là khoảng hơn 20.000ha bỏ hoang. Một số huyện có diện tích đất ruộng vụ hè thu không sản xuất lớn như: Huyện Diễn Châu chỉ sản xuất được 6.000ha/kế hoạch 8.000ha, Quỳnh Lưu sản xuất 6.100ha/kế hoạch 6.700ha, Yên Thành khoảng 500ha…