Phát triển hệ thống trường ngoài công lập: Khan hiếm quỹ đất
Xã hội hóa giáo dục góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đồng thời cũng san sẻ bớt những khó khăn cho các trường công lập, huy động sự đóng góp của toàn xã hội. Song tại nhiều địa phương, khó khăn lớn nhất để phát triển hệ thống trường ngoài công lập là khan hiếm quỹ đất, nhất là ở những vùng nội thành, vùng lõi.
Thiếu đất xây trường
Tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư có ý định đầu tư vào giáo dục hoặc mở rộng quy mô trường học đang khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất, đặc biệt ở các vùng lõi do quỹ đất không còn nhiều. Đơn cử, tại quận Ba Đình, một trong 4 quận lõi của Thủ đô, quỹ đất rất hạn hẹp, đất dành cho giáo dục càng hạn chế các nhà đầu tư muốn thành lập trường tư thục ở quận Ba Đình là một việc rất khó.
Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, UBND quận Ba Đình đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư khi xin cấp giấy phép thành lập trường tư thục. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư thành lập các trường ngoài công lập trên địa bàn quận Ba Đình còn gặp nhiều khó khăn. Thống kê từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, số trường và nhóm lớp ngoài công lập có chiều hướng giảm. Một trong nhiều nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 khiến nhiều trường, nhóm trẻ mầm non tư thục đóng cửa. Chính vì vậy, Phòng GDĐT quận Ba Đình đề nghị các cấp chính quyền rà soát lại quỹ đất trên thành phố nói chung và trên địa bàn quận Ba Đình nói riêng để tăng thêm quỹ đất cho giáo dục.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, mặc dù đã đầu tư xây mới nhiều trường công lập, nâng cấp sửa chữa những trường đang hoạt động song với tốc độ gia tăng dân số cơ học, nhiều khu vực của Hà Đông vẫn quá tải về trường lớp. Đơn cử như khu đô thị Dương Nội nhiều năm qua là một “điểm nóng” về tuyển sinh đầu cấp của Hà Đông. Quận đang đề nghị các chủ dự án khẩn trương triển khai các hệ thống trường học xã hội hóa trong khu vực để những gia đình có điều kiện cân nhắc lựa chọn trường tư thục, góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập. Tuy nhiên, khó khăn về quỹ đất cũng là bài toán khó với Hà Đông hiện nay.
Thống kê năm học 2021-2022, trên địa bàn quận Hà Đông có 137 trường, trong đó, có 97 trường công lập và 40 trường ngoài công lập (tỷ lệ trường ngoài công lập chiếm 29,2%). Năm 2022, tổng số học sinh thuộc khối mầm non, tiểu học và THCS ngoài công lập là 115.000 học sinh.
Theo Quy hoạch mạng lưới trường học của TP Hà Nội đã được phê duyệt thì đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu xây mới 580 trường học với tổng kinh phí 40.360 tỷ đồng (331 trường công lập và 249 trường ngoài công lập). Để làm được điều đó cần 5.556.254m2 đất. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi trên thực tế quỹ đất trong nội thành gần như không còn.
Địa phương cần chủ động
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của Nghị quyết là đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GDĐT, năm học 2020-2021, toàn quốc có hơn 4.000 trường ngoài công lập với trên 1,8 triệu học sinh, sinh viên (chiếm tỷ lệ 7% so với tổng số học sinh, sinh viên cả nước). Như vậy, so với mục tiêu của Nghị quyết 35 là đạt 8,9% người học vào năm 2020 vẫn còn một khoảng cách.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nhìn nhận, hệ thống trường ngoài công lập đã và đang là một thành phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, gánh vác một phần tải trọng cho giáo dục của cả nước. Đường lối, chính sách đã có, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản về xã hội hóa, vấn đề hiện nay là các địa phương áp dụng ra sao. Trong đó, khó khăn về quỹ đất để xây trường rồi chính sách về thuế, ưu đãi về tiền thuê đất… đang là rào cản đối với các nhà đầu tư. Vấn đề thủ tục hành chính cũng khiến các nhà đầu tư nản lòng… Gỡ được hai nội dung này thì việc phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập sẽ được khơi thông.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng nhận định, chính sách đất đai cho các trường tư thục phải được cụ thể hóa hơn nữa, đặc biệt là phân cấp rõ trách nhiệm. “Khu đô thị đã quy hoạch mà không có đất xây trường thì chủ đầu tư và chính quyền địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm. Còn lâu nay chúng ta vẫn hòa cả làng, không ai chịu trách nhiệm, nên vấn đề này như quả bóng đá lên đá xuống, kêu lên kêu xuống mà không ai giải quyết. Rõ ràng, chủ trương đã có, vấn đề hiện nay là cụ thể hóa và quy trách nhiệm” - ông Lâm nhấn mạnh.