Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 2%
Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay không biết cách nào tiếp cận được với gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, trong khi thực tế hàng loạt doanh nghiệp đang rất khó khăn sau 2 năm đại dịch Covid-19, từng ngày mong mỏi được tiếp sức.
Gói hỗ trợ 2% lãi suất/năm luôn được cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong đợi. Ngày 6/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN đã kịp thời ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai chính sách, hướng dẫn hạch toán kế toán và đôn đốc các ngân hàng thương mại khẩn trương đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng). Ngoài ra, NHNN cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách.
Cũng như nhiều người khác, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ví von: “Gói hỗ trợ lãi suất 2% giống như cái phao vàng để giúp cho DN và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19”. Nhưng “cái phao vàng” ấy không dành cho tất cả, muốn “bám” được vào nó cũng rất khó.
Tại một cuộc hội thảo gần đây, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng việc thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất vẫn là bài toán khó đối với DN. Bởi vì muốn được ngân hàng thương mại đồng ý cho vay, DN phải thỏa mãn nhiều điều kiện. Trong khi có quá nhiều DN không đủ điều kiện.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, họ cần được bảo lãnh tín dụng. Cần xem phương án của DN có thể tạo ra dòng tiền trả nợ không, nếu phương án tốt thì cho vay. “Cần thay đổi điều kiện cho vay một cách phù hợp và ngân hàng chịu trách nhiệm trong việc thẩm định này. Chẳng hạn, một DN mua thiết bị, qua thẩm định giá có thể cho thế chấp bằng chính thiết bị này” - ông Hưng nêu ý kiến.
Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Viết Toàn (Công ty Kỹ thuật tự động ETEC, Chủ tịch Hội Doanh nhân quận Tân Phú, TP HCM) thì thực tế rằng hội đã làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhưng đều nhận được câu trả lời là chờ hướng dẫn. Vậy, chờ đến bao giờ trong khi thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023 và theo các DN như vậy là quá ngắn để xoay xở thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ. Bây giờ đã là quý 3 của năm 2022, nếu chỉ áp dụng đến hết năm 2023 thì thời gian thụ hưởng của DN còn rất ngắn.
Nhưng, khó khăn để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn chưa hết.
Theo ông Phạm Huy Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thì Nghị định 31 quy định DN muốn được hỗ trợ 2% lãi suất không được tham gia các chương trình hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước. Thế nhưng, thực tế là ngân hàng thương mại không nắm được các khách hàng đã được hỗ trợ từ chương trình khác hay chưa. Vì thế, NHNN cần có hướng dẫn cho phép khách hàng cam kết.
Sau khi các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn vay đối với họ, NHNN sẽ xác minh sau hoặc tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm những trường hợp gian lận. Như vậy, mới có thể giải ngân cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhanh chóng, kịp thời.
Trong khi đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, các đối tượng vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 2% đã được xem xét kỹ và được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Việc vay qua các ngân hàng thương mại, phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Chỉ những DN nào có khả năng phục hồi mới được vay vốn.
“Các DN không đảm bảo điều kiện, không phải đối tượng của gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ xem xét việc có “nới” điều kiện hay không và “nới” như thế nào. Điều này cần được tổng hợp để các bộ, ngành chức năng xem xét”- ông Tú nhấn mạnh.
Ông Tú cũng cho biết, với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Trong năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý “Việc xây dựng chính sách đã khó nhưng việc thực hiện còn khó hơn. Vì vậy, để đưa chính sách vào cuộc sống, NHNN tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả; cùng với các ngân hàng thương mại, hiệp hội ngành nghề nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo thực hiện theo đúng các mục tiêu đề ra”.
Vì sao tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm? Về phía ngân hàng thương mại cho rằng do room đã hết, cần được nới mới có thể giải ngân nhanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp lại cho rằng, nếu đặt điều kiện DN không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận thì chính sách hỗ trợ này sẽ rất khó khăn cho DN vừa và nhỏ. Trong khi đây lại là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Vẫn biết rằng nếu hướng dòng vốn tín dụng ưu đãi đến DN vừa và nhỏ, không có tài sản bảo đảm… thì rủi ro bị đẩy sang phía ngân hàng. Nhưng nếu thế thì bao giờ DN vừa và nhỏ mới được thụ hưởng?