Oằn mình dưới các mỏ đá
Nhiều năm qua, người dân sinh sống tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) luôn phải chung sống với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các mỏ khai thác và chế biến đá ốp lát, đá xẻ gây ra. Người dân đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Thế nhưng hết năm này qua năm khác, họ vẫn chịu cảnh bụi đá, tiếng ồn...
Sống chung với ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân sinh sống tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các mỏ khai thác đá và các xưởng chế tác, sản xuất đá thành phẩm gây ra, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã đến tìm hiểu thực tế tại đây.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay từ đầu cầu Hà Tân dẫn vào địa giới xã có nhiều mỏ đá cũng như các xưởng chế tác đang hoạt động hết công suất. Từng đoàn xe tải chở những khối đá lớn, di chuyển trên con đường trục chính chạy xuyên qua xã về các nhà xưởng. Tiếng động cơ gầm rú, theo bánh xe, những luồng bụi trắng bốc lên mù mịt rồi tỏa vào các khu dân cư.
Mái nhà, cây cối khắp xã đều bị phủ một lớp bụi màu nâu xỉn. Tại khu vực Nam thôn 1, nhiều xưởng chế biến đã xả thải xuống các ao lắng lọc rồi chảy thẳng ra kênh Đồng Hang - một trong số kênh tiêu úng quan trọng của xã.
Ông Nguyễn Thế Lữ - một người dân trú tại Nam thôn 1, xã Hà Tân cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đã kéo dài suốt hàng chục năm qua, người dân đã kiến nghị rất nhiều lần đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn không có sự thay đổi, chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường hay xử lý đối với các mỏ, xưởng vi phạm.
Không chỉ có vấn đề môi trường bị ô nhiễm, tại đây người dân còn phải đối mặt với hiểm họa luôn rình rập từ các vụ nổ mìn khai thác đá. Vào lúc cao điểm, các vụ nổ mìn khai thác không được kiểm soát chặt đã khiến đá văng vào nhà dân gây nứt tường, sụp mái...
“Các anh thấy đấy, bụi phủ mù mịt khắp nơi, đồ đạc trong nhà cứ lau buổi sáng thì trưa đã bị phủ trắng bụi. Xe trọng tải lớn chở đá chạy suốt ngày đêm, đường nứt gãy, tai nạn giao thông luôn rình rập, không biết đến bao giờ người dân Hà Tân chúng tôi mới thoát khỏi tình cảnh này” - ông Lữ bức xúc nói.
Khó xử lý
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa có thanh, kiểm tra hoạt động khai khoáng, sản xuất tại đây nhưng các cuộc thanh, kiểm tra này được đánh giá là “đến hẹn lại lên”.
Tháng 6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, xác minh theo phản ánh về ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất đá xẻ, chế biến đá ốp lát trên địa bàn thôn Nam Thôn, xã Hà Tân, huyện Hà Trung. Theo đó, cả 6 cơ sở sản xuất đá được kiểm tra đều có những vi phạm gần giống như nhau.
Cụ thể, các ao chứa nước thải và lắng bột đá được xây dựng chưa bảo đảm quy cách; công tác vệ sinh môi trường công nghiệp trong các nhà xưởng chưa gọn gàng, sạch sẽ; một phần bột đá, đá cắt cạnh thải đang đổ thải trái quy định (phía ao tiếp giáp với mương Đồng Hang) có nguy cơ tràn xuống mương khi có mưa lớn.
Căn cứ những vi phạm trên, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 6 cơ sở này về hành vi vi phạm: Đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định; xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép, với tổng số tiền 39 triệu đồng.
Nói về những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, ông Trương Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho biết: “Hàng năm, xã vẫn tổ chức họp đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá để ký cam kết bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác. Tuy nhiên, do trên cùng một địa phương nhưng có nhiều mỏ được cấp phép hoạt động và tính đặc thù của nghề đá nên vấn đề môi trường rất khó xử lý một cách triệt để”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cũng cho biết: Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Tân, hiện nay huyện đang yêu cầu các doanh nghiệp đá phải rà soát, đầu tư đầy đủ các công trình thu gom, xử lý chất thải, đảm bảo chất thải được đạt quy chuẩn cấp phép, lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Hà Trung cấp giấy phép môi trường cho dự án theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; gia cố bờ ao lắng nước thải để ngăn bột đá lẫn nước thải chảy tràn ra mương Đồng Hang, cải tạo ao lắng đảm bảo có các ngăn lắng lọc; định kỳ nạo vét bột đá tại ao lắng; nghiêm cấm đổ thải trái quy định ra môi trường; quy hoạch nơi tập kết chất thải sản xuất để đưa về lưu chứa; tăng cường vệ sinh môi trường, thu gom chất thải, rác thải; có trách nhiệm cùng chính quyền khơi thông, nạo vét định kỳ mương Đồng Hang.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu UBND xã Hà Tân tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện các yêu cầu của Đoàn kiểm tra đối với các cơ sở, nếu cơ sở nào thực hiện không nghiêm túc, xả thải gây ô nhiễm môi trường kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền” - ông Dũng cho biết thêm.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, xã Hà Tân có tới 15 mỏ đá được cấp phép hoạt động khai thác và chế biến đá xây dựng cũng như đá mỹ thuật. Do hoạt động của các xưởng sản xuất ở đây rầm rộ nên tình trạng ô nhiễm luôn kéo dài dai dẳng và gần như không thể xử lý dứt điểm.