Đắn đo chọn trường đại học

ĐOÀN XÁ 05/08/2022 14:10

Mặc dù có lộ trình từ vài năm gần đây nhưng bắt đầu từ năm 2022, nhiều trường đại học phía Nam đã tăng mạnh mức học phí khiến nhiều tân sinh viên đắn đo khi chọn trường, chọn nghành học. Với số tiền hàng trăm triệu đồng/năm và chưa chắc có việc làm sau khi ra trường, nhiều thí sinh buộc phải thay đổi nguyện vọng chọn trường dù đủ tiêu chuẩn về điểm số.

Nhiều tân sinh viên đang gặp khó vì học phí đại học tăng.

Em Nguyễn Huy Hùng (ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết, vừa qua em có tham khảo nhiều trường ĐH ở TP HCM để theo học do điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp của em đều khá cao.

“Ban đầu em lựa chọn ngành sức khỏe nhưng thấy điểm thì đủ mà điều kiện kinh tế gia đình không đáp ứng được. Hầu hết các trường đào tạo ngành sức khỏe có mức học phí dao động khoảng 70-100 triệu đồng/năm chưa kể rất nhiều chi phí ăn ở, dụng cụ học tập, thực hành khác. Nếu chọn lựa những trường này, dù em trúng tuyển thì gia đình cũng không đủ để nuôi em học khoảng 5 năm. Sau đó em quyết định chọn trường sư phạm vì học phí thấp hơn rất nhiều” - Hùng cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, biết trước học phí ĐH năm nay tăng hơn nhưng nhiều sinh viên không thể đáp ứng được. Việc cân đối giữa nhu cầu học và kinh tế là điều không hề dễ dàng. Khảo sát cho thấy, mức đóng học phí của các trường có đào tạo ngành sức khỏe ở mức cao nhất. Cụ thể, như ngành Răng - hàm - mặt của ĐH Y dược TP HCM có mức học phí là 70 triệu đồng/năm, còn học phí ngành này của ĐH Quốc gia TP HCM là từ 96,8 đến 106 triệu đồng/năm. Đây cũng là những ngành có mức học phí cao nhất trong khối các trường công lập.

Trong khi đó, các khối ngành khác có mức học phí thấp hơn dù cũng tăng so với trước như ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP HCM) khoảng 50 triệu đồng/năm, ĐH Công nghệ thông tin (thuộc ĐH Quốc gia TP HCM) khoảng từ 30 tới 50 triệu đồng/năm... Điều đáng nói, khoảng cách mức đóng học phí giữa trường công lập và trường ngoài công lập đã không còn.

Thậm chí nhiều trường ngoài công lập nhưng mức học phí lại “mềm” hơn. Như ĐH Tôn Đức Thắng, mức học phí chỉ từ 20,5 tới 24 triệu đồng/năm, ngành Dược của trường này có mức học phí cũng chỉ 46 triệu đồng/năm.

So với những năm học trước, mức học phí năm 2022 tăng khoảng 20-25% tùy từng trường, ngành nghề học. Đây là thông tin đã có từ trước nhưng vẫn ảnh hưởng đáng kể tới công tác tuyển sinh. Vì vậy, nhiều trường ĐH phía Nam cũng có chính sách hỗ trợ, chia sẻ với sinh viên, đặc biệt là sinh viên đang theo học để tránh tình trạng khó khăn vì học phí.

Một số trường đã hỗ trợ sinh viên thủ tục vay vốn ngân hàng hoặc thu hút sinh viên bằng cách miễn giảm học phí, tạo các gói học bổng bằng học phí để kích thích thí sinh, nâng cao chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, về lâu dài việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng đáng kể tới công tác đào tạo, thu hút thí sinh. Sẽ có một lượng lớn thí sinh đủ năng lực nhưng không đủ điều kiện kinh tế để theo học những ngành nghề có mức đóng góp cao.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho rằng, tăng học phí đại học thời điểm này là tất yếu bởi hai nguyên nhân. Đầu tiên là hiện các trường phải thực hiện việc tự chủ hoàn toàn, không được hưởng ngân sách Nhà nước, phải có nguồn kinh phí bù lại phần hao hụt này.

Tăng học phí mới đảm bảo để trường có đủ kinh phí hoạt động. Tiếp đến, việc tăng học phí nhằm bù đắp chi phí trượt giá và đầu tư, đảm bảo vận hành chương trình và chuẩn đầu ra. Trong đó có những khối ngành cần nhiều chi phí để mua máy móc, thiết bị dạy và học, thực hành nên mức học phí chắc chắn phải cao hơn.

ĐOÀN XÁ