Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần bổ sung quy định về việc PVN được quản lý kết quả điều tra cơ bản

M.Loan 05/08/2022 15:30

Chiều 5/8, tại TP Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức tọa đàm “Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí”.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc PVN cho biết, Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động Dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn. Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Sản lượng khai thác dầu thô ở các mỏ truyền thống, qua nhiều năm, suy giảm tự nhiên. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp…

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.

Trên thực tế, qua nhiều lần chỉnh sửa, Luật Dầu khí sửa đổi đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến xác đáng của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các ĐBQH. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa, dự luật đã thật sự hoàn chỉnh. Chỉ riêng một vấn đề liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí đã bộc lộ một số hạn chế.

Ông Phan Giang Long, Phó Trưởng Ban tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, của UBTVQH, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan trình Quốc hội dự thảo. Dự thảo đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và hiện Ban soạn thảo đang nỗ lực chỉnh sửa để dự kiến trình tại phiên họp tháng 8 của UBTVQH. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến dự Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV.

Là một trong những người được giao soạn thảo dự luật, ông Long cho biết, trong hoạt động điều tra cơ bản - khâu đầu tiên và quan trọng để tìm kiếm dòng dầu cho quốc gia, quy định tại dự thảo quy định việc nộp mẫu vật, thông tin, dữ liệu kết quả điều tra cơ bản về dầu khí đã được phê duyệt về Bộ Công thương; đồng thời nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí về Bộ Tài nguyên và môi trường để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản. Tài liệu, mẫu vật và báo cáo kết quả điều tra cơ bản chỉ được giao nộp về Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và môi trường.

Nói về bất cập trong quy định này, ông Long cho rằng, PVN là đơn vị tìm kiếm, thăm dò để tiến tới khai thác dầu khí phục vụ phát triển kinh tế đất nước; nếu chỉ nộp dữ liệu điều tra cơ bản về hai bộ nêu trên có nghĩa PVN không được quản lý các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản sẽ gây khó cho việc sử dụng kết quả điều tra này và không thuận lợi để phục vụ công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu.

Quả thực, “điền dã” tại kho quản lý mẫu vật của Cửu Long JOC (Công ty liên doanh điều hành Cửu Long) có thể thấy, rất nhiều mẫu vật được lấy lên từ những mũi khoan thăm dò địa chất đang được cất giữ cẩn thận và đã phục vụ nhanh chóng, hữu hiệu cho công tác khoan khai thác của cơ sở này.

Từ thực tế này, PVN đề xuất việc bổ sung quy định về việc PVN được quản lý các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản nhằm tạo điều kiện cho PVN trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu.

M.Loan