Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến
Ngày 5/8, tại TP HCM diễn ra Hội thảo Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến trong khuôn khổ Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15 năm 2022.
Tại hội thảo, ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM (VOH) cho biết, trong vài năm gần đây đang diễn ra sự bùng nổ của công nghệ.
Với đặc trưng nhanh, rộng và phạm vi tương tác đa chiều, không phân biệt không gian và thời gian, các nền tảng trực tuyến đang thực sự là một “gã khổng lồ” có ảnh hưởng vô cùng lớn tới báo chí, truyền thông truyền thống ở tất cả các quốc gia.
Cũng theo ông Đồng, ngành phát thanh đang phải cạnh tranh khốc liệt về nội dung với các loại hình giải trí mới, phải thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Bên cạnh đó, vấn đề nội tại của đơn vị làm phát thanh là những hạn chế trong nguồn lực đầu tư, việc triển khai ý tưởng và phương thức chuyển tải…
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc chia sẻ, đối với Đài VOH cũng đang nằm trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến, do đó phải nắm bắt tầm quan trọng của hệ sinh thái trực tuyến để thích nghi và phát triển.
Lấy dẫn chứng trong tổ chức các chương trình phát thanh trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, ông Bình cho biết "Lúc này, radio vừa là phương tiện giải trí vừa là nơi để gửi gắm niềm tin, nương tựa cảm xúc, vừa tiếp thêm sức mạnh, động lực sống cho người nghe".
Tại sự kiện, ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam đề cập đến vấn đề cạnh tranh nguồn nhân lực trong bối cảnh bùng nổ phát thanh trực tuyến. Bởi vì, theo ông Tuyến, các đài phát thanh dù ở trung ương hay địa phương hiện đang có sẵn nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành phát thanh, có kinh nghiệm "thực chiến" rất cao trong môi trường sản xuất nội dung dưới định dạng âm thanh.
Về bối cảnh bùng nổ của giải trí trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Đài PTTH Bình Dương chia sẻ, là thách thức song xu thế này lại giúp người xem có nhiều cơ hội tiếp cận với phát thanh trên nhiều nền tảng. Do đó, đã và đang đặt ra yêu cầu mới cho các đài phát thanh trên toàn quốc.
“Giải pháp hiện nay của chúng tôi là đang triển khai hướng đến là chúng tôi trực tiếp làm việc với các ca sĩ, nhạc sĩ để họ cung cấp bài hát trong các chương trình. Đài thử nghiệm và đạt được hiệu quả bước đầu trong chương trình như Nhịp cầu nghệ sĩ. Khi làm việc trực tiếp với nhạc sĩ, nghệ sĩ, chúng ta không bị vướng bản quyền”, đại diện Đài PTTH Bình Dương chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ về những thách thức, cơ hội liên quan đến vấn đề bản quyền số, vấn đề nguồn nhân lực trong phát thanh mới cũng như các giải pháp, cách thức định dạng xu hướng giải trí hiện đại,...