Đắk Nông: Thiếu gần 1.000 giáo viên ở các cấp học
Năm học 2021 - 2022, số lượng người làm việc ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thiếu 925 người.
Ngày 5/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 7/2022.
Đáng chú ý, thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, trong năm học 2021 - 2022, số lượng người làm việc ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn thiếu 925 người. Trong đó, bậc học mầm non thiếu 251 người, tiểu học thiếu 349 người, THCS thiếu 232 người, THPT thiếu 93 người.
Số giáo viên thiếu ở 3 cấp học chủ yếu ở các huyện: Đăk Glong, Đăk Mil, Thành phố Gia Nghĩa, Đăk Song, Krông Nô, Đăk Rlấp, Tuy Đức. Riêng đối với huyện Cư Jut thiếu ở bậc mầm non và tiểu học, còn THCS dư thừa (25 người) so với định mức. Đối với cấp THPT thiếu theo định mức là 93 người.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, vấn đề nan giải nhất đối với ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông hiện nay đó là, chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục vẫn còn nhưng khi tuyển dụng thì không có nguồn. Cụ thể như: Năm học vừa rồi ngành Giáo dục Đắk Nông tổ chức tuyển dụng 22 biên chế cho bộ môn Mỹ Thuật và Âm nhạc nhưng chỉ tuyển được 2 người, hiện vẫn còn 20 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển được.
Tại huyện Đắk Glong, hiện vẫn còn 38 chỉ tiêu biên chế. Mới đây huyện Đắk Glong được tăng cường thêm 30 biên chế từ các trường khác về và tới đây trong tháng 8 số lượng biên chế ở huyện Đắk Glong sẽ tiếp tục tăng lên hơn 100 biên chế.
Việc tuyển dụng giáo viên sẽ tiếp tục triển khai, tuy nhiên nguồn để tuyển dụng vào thì rất nan giải. Đơn cử như bộ môn Tin học và tiếng Anh, số Cử nhân Công nghệ thông tin và Cử nhân tiếng Anh ra trường họ không muốn dạy học sinh tiểu học. Mà có tuyển được rồi thì khi điều vào vùng sâu vùng xa họ cũng bỏ việc.
Cùng với khó khăn trong công tác tuyển dụng thì nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy cũng đang là nỗi trăn trở lớn của ngành.Hiện nay nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có nguồn kinh phí để sửa chữa và xây dựng mới.
Nhiều ngôi trường xây dựng cách đây 30 đến 40 năm đã xuống cấp nhưng hiện vẫn đang sử dụng; Hệ thống máy tính trang bị từ khi các em bước vào lớp 1 đến khi học hết lớp 12, máy tính vẫn chưa được đổi mới. Theo chủ trương chung, việc triển khai dạy môn Tin học cho các em học sinh lớp 3 đã được triển khai nhưng các trường tiểu học đều thiếu máy vi tính.
Có trường tiểu học có tới 3 điểm lẻ, trong khi đó máy tính chưa đủ đặt ở điểm trường chính nên giải pháp đưa ra đối với ngành là huy động phụ huynh, học sinh có máy tính cá nhân mang đến trường để học, hết giờ lại mang về; đối với các em ở điểm trường lẻ hoàn cảnh khó khăn, không có máy tính học thì cứ 1 đến 3 tháng cho tập trung về điểm chính để làm quen với máy tính.
Thực trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục cho học sinh. Trước thực trạng trên ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông cũng đang huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để từng bước khắc phục khó khăn.
Đối với đội ngũ giáo viên, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đang khẩn trương xây dựng kế hoạch điều chuyển giáo viên mầm non, phổ thông công lập từ trường thừa cục bộ giáo viên sang trường thiếu giáo viên, từ trường thiếu ít giáo viên sang trường thiếu nhiều giáo viên; Tổ chức tuyển dụng giáo viên các cấp học đủ theo cơ cấu từng môn học; Tăng cường công tác phân công giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm ở các trường thiếu biên chế so với định mức; Tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên trường học được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để chuyển đổi vị trí việc làm thành giáo viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét, không cắt giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh Đắk Nông năm 2022 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, từng bước vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cũng tại Hội nghị, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Nông Trần Ngọc Quân thông tin: Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, quan hệ cung - cầu dẫn đến việc giảm nhu cầu, thay đổi thói quen chi tiêu, đi lại của người tiêu dùng, việc sản xuất của các doanh nghiệp bị đình trệ, kéo theo nguy cơ phá sản của doanh nghiệp, dẫn đến người lao động không có việc làm, mất việc làm, làm gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập, việc làm; một số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân phải nghỉ việc không lương hoặc giãn, giảm thời gian làm việc, thu nhập giảm sút, không được đóng BHXH, BHYT.
Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay trên địa bàn tỉnh có 130 đơn vị đang nợ BHXH tỉnh lên đến 38.253 triệu đồng, chiếm 3,27% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Công ty TNHH MTV Nam Nung nợ 87 tháng, số tiền là 22.576 triệu đồng; Chi nhánh Tây Nguyên Công ty TNHH Một thành viên 508 nợ 141 tháng, số tiền 3.590 triệu đồng; Công ty cổ phần Đông Bắc nợ 99 tháng, số tiền là 1.020 triệu đồng; Công ty CP Chế Biến Gỗ XK Hưng Thịnh nợ 23 tháng, số tiền là 776 triệu đồng. Hầu hết đây là những đơn vi khó có thể thu.