Mức ưu đãi khiêm tốn sẽ không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia thăm dò, khai thác dầu khí
Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là công ty TNHH một thành viên và do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 100% vốn điều lệ. Với đặc thù là doanh nghiệp chủ lực của PVN trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, PVEP chịu sự tác động rất lớn của Luật Dầu khí.
Tại tọa đàm ở Vũng Tàu ngày 5/8, đại diện của PVEP, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc PVEP bày tỏ: Nút thắt lớn cần được tháo gỡ ngay đối với các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí như PVN và PVEP là vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư.
Vướng mắc này nảy sinh từ các quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước.
Dẫn chứng câu chuyện của mỏ Cá Voi Xanh, đại diện PVEP cho biết, khi cần cả những dự án trên bờ lại có ý kiến, không áp dụng quy định của Luật Dầu khí mà phải áp dụng quy định của Luật Xây dựng.
Trong khoảng 10 năm gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước như PVN và các công ty thuộc sở hữu toàn phần của DNNN như PVEP.
Vì thế, theo ông Trung, việc triển khai đầu tư dự án dầu khí của PVN/PVEP ngoài Luật Dầu khí còn chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật khác nhau; nhưng giữa các văn bản này lại tồn tại các khoảng trống pháp lý và không ít sự chồng chéo, mâu thuẫn.
Điều này gây ra nhiều khó khăn và là rào cản lớn đối với PVEP trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí, không tạo đà cho tối ưu hóa việc phát triển, khai thác tài nguyên dầu khí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách quốc gia.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành chưa đủ linh hoạt và không kịp thích ứng với hiện trạng về điều kiện địa chất và tiềm năng dầu khí ngày càng suy giảm, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi và tác động bất lợi đến môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực dầu khí nói riêng.
Mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh đáng kể khi so sánh với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điển hình là Malaysia và Indonesia.
Do đó, theo đại diện của PVEP, việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về chính sách pháp luật dầu khí cần được ưu tiên, chú trọng để tạo hàng lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý có thẩm quyền và các nhà đầu tư, trong đó PVN và PVEP là những nhà đầu tư chủ lực, trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí, cải thiện hiệu quả đầu tư cho các dự án dầu khí đang triển khai và thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư mới nhằm hỗ trợ cho công cuộc phục hồi kinh tế quốc dân sau đại dịch Covid-19, ngăn chặn và đẩy lùi các dấu hiệu của suy thoái kinh tế.
Nói về vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư dự án dầu khí, ông Trung nhận xét, so với Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 đã tháo gỡ 2 vấn đề quan trọng đối với dự án dầu khí: Bỏ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án dầu khí của Thủ tướng Chính phủ và nêu rõ Luật Đầu tư không điều chỉnh về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dự án dầu khí mà thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí.
Tuy nhiên, Luật Dầu khí hiện hành lại không quy định các vấn đề này. Như vậy, nếu Luật Dầu khí sửa đổi không bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đầu tư sẽ tiếp tục duy trì lỗ hổng pháp lý rất lớn trong nhiều năm qua. Đây là vấn đề trọng tâm và cấp thiết mà Luật Dầu khí sửa đổi cần xử lý.
Từ bất cập ấy, Dự thảo Luật Dầu khí mà Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét có bổ sung một số quy định mới so với Luật Dầu khí hiện hành.
Theo đó, đã xác định thẩm quyền của PVN trong việc quyết định đầu tư các dự án dầu khí của PVN và các doanh nghiệp như PVEP sau khi Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khác đã phê duyệt các nội dung, vấn đề phát sinh trong triển khai Hợp đồng dầu khí. Trình tự và thủ tục đầu tư cũng được quy định theo hướng rõ ràng và cụ thể hơn, cho phép thực hiện theo cơ chế 2 trong 1 cùng với quá trình trình duyệt các vấn đề của Hợp đồng dầu khí.
Nếu dự thảo này được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho không chỉ các nhà đầu tư là các doanh nghiệp như PVN và PVEP mà cả các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý, kiểm soát và thực hiện đầu tư dự án dầu khí, tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và tập trung, thay vì rải rác ở nhiều văn bản khác nhau như hiện tại, ông Trung cho hay.
Ông Trung kiến nghị, Luật Dầu khí ra đời cần có Nghị định hướng dẫn ngay để tạo điều kiện thực thi sớm nhất; luật cũng cần có biện pháp “nới room” để Chính phủ có thể có ưu đãi hơn trong một số trường hợp cụ thể; hay cần một cơ chế cho những hợp đồng có tính rủi ro cao…
Theo dự kiến chương trình dự kiến của UBTVQH về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sáng 16/8, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).