Hài hòa lợi ích
Ngày 4/8, nhân dự sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM). Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các NHTM cùng chia sẻ với Đảng, Nhà nước, nhân dân, tạo ra nguồn lực, sức mạnh phát triển mới. Đại diện các NHTM khẳng định sẽ nỗ lực, tích cực thực hiện đề nghị của Thủ tướng.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức thì hệ thống ngân hàng, trong đó có các NHTM cũng gặp nhiều áp lực. Vượt qua khó khăn, các NHTM đã kinh doanh hiệu quả khi vừa chống dịch, vừa làm trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh. Trong suốt hơn 2 năm chống dịch Covid-19, nhiều NHTM đã thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao, với tình cảm, tinh thần nhân văn cao cả “lá lành đùm lá rách”. Hiện nay, cả nước thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện giá nhiều mặt hàng hóa lên cao, áp lực lạm phát rất lớn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường… Vì thế, việc thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước là điều cần thiết. Trong bối cảnh đó, theo Thủ tướng, các NHTM cần nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất, chi phí cho vay, chia sẻ khó khăn, rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng và nền kinh tế. Đồng thời chủ động, tích cực hơn nữa trong tham gia các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tín dụng phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Đây cũng chính là quan điểm “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đất nước có ổn định, phát triển, nhân dân có hạnh phúc, ấm no thì các ngân hàng mới phát triển bền vững. Vả lại, người dân và doanh nghiệp cũng chính là phần quan trọng hệ sinh thái của ngành ngân hàng.
“Nếu nền kinh tế không ổn định, phát triển, đời sống người dân không được bảo đảm, thì các ngân hàng cũng không đang tâm, không yên tâm và khó có thể phát triển” - Thủ tướng sẻ chia với lãnh đạo các ngân hàng.
Từ câu chuyện này, xin được đề cập đến 2 việc được cho là “nóng bỏng” hiện nay, rất cần sự vào cuộc của hệ thống NHTM. Đó là gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; và nguồn vốn đầu tư xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, được cộng đồng doanh nghiệp coi là “chiếc phao vàng” giúp họ có thêm sức chống chịu, vượt qua khó khăn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thủ tục để được vay vốn ở những NHTM cũng không hề đơn giản, hay nói đúng hơn là khá phức tạp, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi gói hỗ trợ này được quy định thực hiện trong 2 năm 2022-2023, thì nay thời gian cũng đã qua một chặng dài nhưng rất nhiều doanh nghiệp muốn vay cũng không vay được. Vì thế, nguyện vọng của doanh nghiệp là giảm bớt thủ tục, có niềm tin vào doanh nghiệp và giải ngân càng sớm càng tốt.
Với việc xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Đây là chương trình lớn của Chính phủ, với việc sắp tới sẽ xây dựng hơn 1 triệu căn hộ. Những chính sách ưu đãi của Chính phủ đã có, các doanh nghiệp xây dựng cũng đã sẵn sàng vào cuộc, chỉ còn đợi vốn từ các NHTM. Lúc này hơn lúc nào hết, các NHTM cần chia sẻ với Chính phủ, đặc biệt là với công nhân, người lao động. Cũng cần nhắc lại rằng, các nghiên cứu cho thấy nếu giá nhà cao như hiện nay (thấp nhất cũng trên 25 triệu đồng/m2) thì trong suốt cuộc đời làm việc của mình người lao động thu nhập thấp cũng không thể mua được nhà.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết, họ sẵn sàng “lấy công làm lãi” khi xây nhà ở xã hội giá thấp, nhưng lại thiếu vốn. Trong khi thủ tục vay vốn từ ngân hàng lại không dễ dàng.
Vì thế, một lần nữa xin được nhắc lại rằng, đây chính là lúc các NHTM “chia bùi sẻ ngọt”, chia sẻ lại ích với cộng đồng, với xã hội. Khi tham gia chương trình cho vay vốn ưu đãi để xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, chắn chắn lợi nhuận thu về của các NHTM sẽ giảm bớt, kể cả rủi ro đồng vốn cho vay sẽ tăng lên, nhưng nếu vì lợi ích chung của xã hội thì đây vẫn là việc rất nên làm, cần làm.
Truyền thống và cũng là đạo lý vô cùng quý báu của người Việt Nam ta là “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ những người yếu kém, tin tưởng rằng các NTHM sẽ tích cực hưởng ứng đề nghị của Thủ tướng cùng chia sẻ với Đảng, Nhà nước, nhân dân, tạo ra nguồn lực, sức mạnh phát triển mới. Hài hòa lợi ích, vì người dân và doanh nghiệp cũng chính là phần quan trọng hệ sinh thái của ngành ngân hàng.