Ồn ào phong danh

NHÓM PHÓNG VIÊN 07/08/2022 10:06

Câu chuyện xét duyệt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lại trở thành tâm điểm được dư luận quan tâm khi mới đây, Bộ VHTTDL đã chính thức đăng tải danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Đây là danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng lần thứ 10 lên Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL để lấy ý kiến rộng rãi.

NSƯT Chí Trung.

1. Danh sách hồ sơ này thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, Điện ảnh, Múa, Phát thanh-Truyền hình, Sân khấu.

Theo đó, lĩnh vực Âm nhạc gồm có 45 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, trong đó có các nghệ sĩ: NSƯT Huỳnh Tấn Minh (Tấn Minh); NSƯT Nguyễn Trường Giang (Nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu); NSƯT Phạm Thị Trà My - Diễn viên nhạc (Nghệ sĩ biểu diễn đàn Tranh); NSƯT Nguyễn Quốc Hùng - Diễn viên nhạc (Nghệ sĩ biểu diễn đàn Nhị); NSƯT Nguyễn Anh Tấn - Diễn viên nhạc (Nghệ sĩ biểu diễn đàn Nguyệt); NSƯT Ma Thị Bích Việt - Diễn viên hát Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; NSƯT Bùi Công Duy - Diễn viên nhạc (Nghệ sĩ biểu diễn Violin); NSƯT Đoàn Thanh Lam… và 67 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Lĩnh vực Điện ảnh có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” (NSƯT Hồ Quảng - Đạo diễn Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) cùng 16 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Lĩnh vực Múa có 3 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, gồm: NSƯT Đỗ Văn Hiền (Đỗ Hiền); NSƯT Trần Ly Ly; NSƯT Bùi Xuân Hanh và 38 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Lĩnh vực Phát thanh – Truyền hình có 2 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSƯT Lê Hồng Thụy (Lê Thụy) - Đạo diễn TPHCM; NSƯT Vũ Thị Kim Dung - Diễn viên ngâm thơ Ban Văn học nghệ thuật (VOV6), cùng 12 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Lĩnh vực Sân khấu có 88 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, trong đó có các nghệ sĩ: NSƯT Nguyễn Xuân Bắc; NSƯT Phạm Chí Trung; NSƯT Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo)… và 215 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Thời gian lấy ý kiến của nhân dân từ ngày 26/7 đến hết ngày 16/8, trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.

NSƯT Lê Thiện.

2. Ngay sau khi danh sách được công bố, trên nhiều diễn đàn - cả trên báo chí truyền thông lẫn mạng xã hội - đã xuất hiện không ít lời bình luận, tranh luận, bàn tán. Một số ý kiến tập trung phân tích, và chỉ ra trong công tác xét duyệt danh hiệu NSND và NSƯT của chúng ta thường có những bất cập, gây tranh cãi.

Đơn cử như trong mùa xét danh hiệu lần này, trong danh sách thông qua, có rất nhiều nghệ sĩ từ khi đạt danh hiệu NSƯT tính đến thời điểm hiện tại, chuẩn bị được phong tặng NSND lại chưa có thêm một vai diễn, hoạt động có dấu ấn nào, ngoại trừ việc đã xếp đủ huy chương, theo quy định.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ kỳ cựu như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Ngọc Khanh (hát bội), NSƯT Thoại Mỹ... lại không có tên.

Đáng chú ý, trường hợp của NSƯT Lê Thiện, sinh năm 1945, tham gia đoàn Văn công Nam bộ từ năm 11 tuổi. NSƯT Lê Thiện cùng nhiều nghệ sĩ đi lưu diễn tại nhiều nước trong thời kỳ chống Mỹ. Sau 1975, bà về công tác tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tham gia nhiều vở diễn. Ở tuổi 77, sau khi rời sân khấu, bà vẫn vào Nam ra Bắc miệt mài đóng phim, tham gia dạy nghề cho lứa diễn viên trẻ.

NSND Thoại Miêu phải thốt lên: “Trường hợp của cô Lê Thiện khiến tôi bức xúc. Mấy mươi năm, cô biểu diễn, lãnh đạo Nhà hát Trần Hữu Trang, tạo ra rất nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng nhưng đến nay vẫn chưa được danh hiệu NSND là chuyện đáng buồn. Sự cống hiến đó xứng đáng được ghi nhận”.

Ngoài ra, dư luận cũng quan tâm đến NSƯT Quốc Cơ, NSƯT Quốc Nghiệp cũng không có tên trong danh sách xét NSND đợt này. Đây là 2 nghệ sĩ có nhiều hoạt động nổi bật trong lĩnh vực xiếc thời gian gần đây, tên tuổi được truyền thông quốc tế nhắc đến.

3. Cũng xin được nói ngay rằng, các hội động xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã có Nghị định 40/2021/NĐ-CP để căn cứ. Theo Nghị định này, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND yêu cầu nghệ sĩ phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân). Nếu không có giải vàng cá nhân, nghệ sĩ sẽ phải có ít nhất 3 giải vàng quốc gia. Với danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân)...

Với những cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng theo quy định sẽ được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

So với Nghị định 89/2014/NĐ-CP trước đây, thì Nghị định 40/2021/NĐ-CP được cho là đã hoàn thiện hơn, cởi mở hơn, nới lỏng hơn trong việc xét tặng danh hiệu để “không bỏ sót tài năng”. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP vẫn gây bức xúc, tranh cãi ồn ào - không kém những mùa xét tặng trước.

NSƯT Thanh Lam.

4. Lật ngược lại “hồ sơ” xét tặng, người ta không khỏi băn khoăn trước những tiêu chí và cách thức xem xét của một số trường hợp. Trong đó có thể kể tới nghệ sĩ Minh Vương, nghệ sĩ Thanh Tuấn, nghệ sĩ Giang Châu từng gạt khỏi danh sách, trong khi một số người xếp sau cả về thâm niên làm nghề và sản phẩm nghệ thuật lại có tên trong danh sách.

Hay như nghệ sĩ Minh Hằng (thời điểm đó là NSƯT), cũng chật vật với với các tiêu chí để rồi 3 năm sau khi nghỉ hưu, Minh Hằng mới được xét tặng danh hiệu NSND (2009).

Theo thông lệ, việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở; Hội đồng cấp tỉnh, thành, bộ và hội đồng cuối cùng gồm Hội đồng cấp Nhà nước và Hội đồng chuyên ngành. Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền.

Tương tự, NSƯT Chí Trung từ năm 2015 đã làm những thủ tục hồ sơ xét tặng. Yêu cầu có 2 HCV, Chí Trung có 3 HCB và một giải “Đạo diễn xuất sắc” tại Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ.

Tại Hội đồng cấp cơ sở, giải Đạo diễn xuất sắc của NSƯT Chí Trung được xem xét như một HCV (vì đó là giải cao nhất trong hạng mục dành cho đạo diễn ở Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ). Theo quy định, cứ 2 HCB có thể quy đổi giá trị thành 1 HCV- Chí Trung đủ tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu NSND.

Tuy nhiên, khi lên Hội đồng xét tặng ở cấp cao hơn, giải Đạo diễn xuất sắc của NSƯT Chí Trung không được “xét” là một huy chương. Vì thế, hồ sơ của Chí Trung coi như bị thiếu huy chương và bị “gạt” ra, đến nay đã 7 năm. Đến tới xét danh hiệu lần thứ 10 này, NSƯT Chí Trung lại được xét tặng danh hiệu NSND. Thời điểm này, NSƯT Chí Trung cũng đã nghỉ hưu.

5. Trước những băn khoăn của dư luận, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) khẳng định, tất cả công việc liên quan tới việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đều được thực hiện công khai, minh bạch.

“Trước khi kết thúc cuộc họp, hội đồng đã biết kết quả kiểm phiếu và sau khi kết thúc, tất cả thành viên hội đồng đều cảm thấy kết quả bỏ phiếu phù hợp với những đánh giá chung”, bà Nguyệt thông tin, đồng thời cho biết hội đồng cũng đã trao đổi lại với các nghệ sĩ về lý do chưa đủ tỷ lệ phiếu. Ngoài ra, cơ chế xét duyệt năm nay thay đổi so với hai đợt xét năm 2015 và 2018. Trong hai đợt xét trước đó, tỷ lệ đồng thuận phải trên 90% số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp nhưng năm nay, tỷ lệ này giảm còn 80%.

Tuy nhiên, khi được hỏi về lý do tại sao NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ... bị đánh trượt xét NSND, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng lại nói rằng, rất khó để nói lý do vì sao các nghệ sĩ trên không đạt danh hiệu NSND.

“Nhưng, kết quả đánh giá cho thấy các trường hợp trên đều không đạt tỷ lệ phiếu đồng thuận trên 80% tổng số thành viên hội đồng có mặt” - bà Nguyệt cho hay.

Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu có nên cứng nhắc dựa vào số huy chương để làm “rào cản kỹ thuật” trong việc xét danh hiệu NSND, NSƯT không? Theo NSND Thanh Tuấn, nếu huy chương chỉ để nhắm đến danh hiệu thì quả là không ổn. Bởi nghệ sĩ được khán giả yêu mến, đồng nghiệp công nhận đâu phải chỉ vì danh hiệu, mà còn bằng nhân cách, đạo đức và tài năng.

Đồng quan điểm, NSND Lệ Thủy cũng cho rằng, có nghệ sĩ rất tích cực dự thi để tìm giải thưởng. Một khi vẫn còn sử dụng huy chương như tiêu chuẩn quan trọng để xét danh hiệu, xem nhẹ yếu tố tài năng, sự cống hiến và sức lan tỏa thì sẽ còn tồn tại một bộ phận nghệ sĩ chỉ tìm đến các cuộc thi, liên hoan, hội diễn để tích lũy huy chương.

Trong khi đó, xin nhắc lại, Nghị định 40/2021/NĐ-CP đã có quy định: Với những cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng theo quy định sẽ được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Vậy thì không có lý gì để “làm khó” những nghệ sĩ đã trọn vẹn cả đời cống hiến như NS ƯT Lê Thiện, hay 2 nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp có thể trượt danh hiệu NSND vì lý do có phần lãng xẹt: thiếu 1 năm làm nghề!

NHÓM PHÓNG VIÊN