Số ca tái mắc Covid tăng nhanh

V. Hà 08/08/2022 06:53

Liên tiếp trong những ngày qua, ngày nào trên cả nước cũng ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19, số ca nặng phải thở oxy cũng tăng. Tại một số bệnh viện ở Hà Nội, số ca mắc tập chung vào bệnh nhân cao tuổi, người có bệnh lý nền. Đáng lưu ý, những bệnh nhân này hầu hết là tái mắc và chưa tiêm mũi 4.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần tiêm đủ liều vaccine để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19.
Ảnh: Quang Vinh.

Mỗi ngày có hơn 2.000 ca mắc Covid-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần từ 31/7 đến 6/8/2022, số ca mắc đã vượt hơn 12.600 ca, nhiều ngày có trên 2.000 ca mắc mới, trong đó nhiều người tái nhiễm. Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Đống Đa (Hà Nội) mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện, có hôm cao điểm lên tới hơn 20 trường hợp. Theo bác sĩ Trần Ngọc Anh – Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đống Đa), có trường hợp vào viện rồi mới biết mình bị mắc Covid-19. Một số người khi thấy đau họng, sốt, cứ nghĩ cảm cúm thông thường, vào viện khám và xét nghiệm mới phát hiện bị mắc Covid-19.

Còn tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM) hiện số ca Covid-19 nhập viện tăng gấp đôi so với tuần trước. Đa phần những bệnh nhân nhập viện có bệnh lý nền, chưa tiêm đủ liều vaccine. Nếu như tháng 6 không có bệnh nhân mắc Covid-19 nào phải nhập viện thì trong tháng 7, bệnh viện ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ. Tương tự, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng trong tháng 7, trong đó 3 ca nặng phải nhập viện và 1 ca nặng được chuyển lên tuyến trên.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ở trong nước, số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng, có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, và đang bùng phát trở lại. Hơn 2.000 ca mắc Covid-19 chưa phải là con số thực tế, bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm hoặc một số trường hợp xét nghiệm dương tính cũng không khai báo y tế. Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, đã có những bệnh nhân nặng, phải thở máy. Đấy là dấu hiệu của sự bùng phát dịch trở lại.

Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Nêu nguyên nhân khiến dịch Covid -19 có dấu hiệu tái bùng phát, ông Phu cho rằng, trên thế giới dịch đang bùng phát trở lại, trong khi chủng mới lây lan nhanh, đặc biệt là BA.4, BA.5. Một điểm nữa là chúng ta đang nới lỏng, việc đi lại, giao tiếp giữa người bệnh và người lành khá thoải mái làm cho số ca mắc tăng lên. Ngoài ra, người dân còn chủ quan, không đeo khẩu trang, khử khuẩn giảm - đấy là yếu tố khiến dịch bệnh tăng lên.

PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh đến một điểm đáng lưu ý đó là miễn dịch giảm. Miễn dịch của Covid-19 khác miễn dịch khác, có những bệnh như sởi miễn dịch suốt đời, chỉ một lần mắc sởi là không bao giờ mắc lại. Nhưng Covid-19 lại khác, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, khi miễn dịch giảm thì sẽ có khả năng mắc tiếp. Miễn dịch của tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng vậy, nó sẽ hết trong vòng vài tháng.

Vậy biện pháp hữu hiệu nhất để phòng Covid-19 hiện nay là gì? Trả lời câu hỏi này, ông Phu cho biết, Covid-19 vẫn lây theo đường hô hấp, theo giọt bắn, nguy cơ cao là môi trường kín, tiếp xúc gần và đám đông. Vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là dự phòng cá nhân và tiêm vaccine. Dự phòng cá nhân trước đây chúng ta thực hiện là 5k, nhưng hiện Bộ Y tế đang sửa 5k theo tình hình mới, trong đó, đeo khẩu trang chỗ nào bắt buộc, chỗ nào khuyến khích.

Ông Phu cho rằng, giờ chúng ta phải thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát dịch có hiệu quả, đúng theo Nghị quyết 128, nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa cho du lịch nhưng phải làm tốt công tác dự phòng chứ không buông lỏng bất cứ khâu nào. Bộ Y tế phải đánh giá một cách rất nghiêm túc dịch bệnh diễn biến như thế nào, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh hiện tượng đáp ứng không tới thì không phòng, chống được dịch nhưng đáp ứng thái quá thì lại gây ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Nhà nước phải linh hoạt và mỗi người dân cũng phải linh hoạt, đeo khẩu trang, thực hiện tất cả các biện pháp dự phòng cá nhân, đặc biệt là tiêm phòng vaccine Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, tính đến ngày 4/8/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 247 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây. Trong nửa cuối tháng 7/2022, cả nước triển khai tiêm được hơn 7,7 triệu liều vaccine, tăng 34% so với nửa đầu tháng 7/2022. Tuy nhiên, việc tiêm chủng vaccine vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở một số địa phương không đạt tiến độ, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tỷ lệ người dân đến tiêm cúm mùa tại các tỉnh miền Bắc đang tăng mạnh. Theo các chuyên gia y tế, trước nguy cơ dịch chồng dịch như hiện nay, chủ động tiêm vaccine phòng cúm có thể loại trừ những triệu chứng dễ nhầm lẫn, tránh nguy cơ đồng nhiễm, bội nhiễm với các virus, vi khuẩn khác. Đặc biệt là nên ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em, người có bệnh lý nền và suy giảm miễn dịch.

V. Hà