Giá hàng hóa tăng nhanh, giảm chậm: Khâu trung gian hưởng lợi
Giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp 4 lần, đã tương đương với thời điểm tháng 2/2022. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn neo cao, trong đó có giá thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua.
Dù giá xăng đã giảm 4 lần nhưng giá hàng hóa ở chợ vẫn “bất động” ở mức cao. Chẳng hạn với thịt lợn, hơn 10 ngày nay sườn thăn ở mức 140.000 đồng/kg; nạc vai 130.000 đồng/kg; ba chỉ ngon 130.000 đồng/kg, mông sấn 110.000 đồng/kg. “Giá thịt lợn đã tăng so với hồi đầu tháng 7 nhưng đã “ổn định” rồi, không tăng cũng chưa thấy giảm”- bà Thái, nội trợ, nhà ở Ngọc Lâm (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên vào ngày 7/8.
Giá xăng dầu giảm liên tiếp, giá hàng hóa vẫn án binh bất động
Đáng chú ý, khi giá thịt lợn neo cao và có thể dừng lại thì giá nhiều loại hàng gia cầm tươi sống, hải sản vẫn tăng. Gà ta 140.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với trước đó; cánh gà công nghiệp 85.000-90.000 đồng/kg; đùi gà nguyên con 75.000 đồng/kg; gà công nghiệp nguyên con 65.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách đây chừng 10 ngày. Thịt bò các loại dao động từ 240.000-270.000 đồng/kg; cá nục 40.000-50.000 đồng/kg tùy kích cỡ; cá trắm nguyên con 65.000 đồng/kg, cắt khúc 90.000 đồng/kg, cũng cao hơn 10.000 đồng/kg so với mức giá duy trì trong các tháng trước.
Nhiều tiểu thương giải thích, chuẩn bị đến Rằm tháng 7 nên nhiều mặt hàng liên quan đến việc chuẩn bị đồ lễ tăng. Thường vào dịp này, giá thịt gà, lợn chỉ tăng chứ không giảm.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng như: Giá thịt lợn và một số loại thịt gia cầm tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; giá thủy hải sản tươi sống tăng do giá nhiên liệu tăng; giá trứng các loại tăng do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu; giá dịch vụ vận tải tăng do vào mùa cao điểm du lịch...
Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, diễn biến giá cả cũng diễn biến trái chiều. Mặt hàng dầu ăn sau khi tăng giá mạnh hồi đầu năm nay hiện các đại lý bán lẻ đã giảm từ 2.000-3.000 đồng/chai 1 lít. Nguyên nhân giảm giá được cho là do chi phí vận chuyển đã “hạ nhiệt”, kèm theo đó nguyên liệu sản xuất dầu ăn nhập khẩu đã dồi dào trở lại, giá nguyên liệu cũng đi xuống.
Chị Mai Thùy Dương (chủ cửa hàng tạp hóa lớn tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cửa hàng của chị đã nhận được thông báo tăng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm từ tháng 8. Trong khi đó, hơn 1 tháng qua, nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh đã tăng từ 5.000-10.000 đồng/sản phẩm: Giấy vệ sinh các loại đều tăng từ 5.000-7.000 đồng/bịch; sữa tươi các loại tăng giá mấy lần từ đầu năm, mỗi lần nhích lên 10.000-15.000 đồng/thùng; mì ăn liền Hảo Hảo tăng từ 105.000/thùng lên 108.000 đồng/thùng; phở bò, gà khô tăng 10.000 đồng/thùng, giá bán hiện áp dụng là 180.000 đồng/thùng.
Hoạt động phân phối không công bằng
Giá hàng hóa tăng chóng mặt trong thời gian qua có một phần nguyên nhân từ việc giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh từ tháng 3 năm nay, khiến chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao. Mặt khác, giá hàng loạt mặt hàng nguyên liệu sản xuất nhập khẩu và trong nước đều tăng giá mạnh trong thời gian qua, khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên.
Tuy nhiên, đến nay, giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn chưa giảm tương ứng, cho thấy sự lạm dụng tình hình thị trường để tăng giá bất hợp lý.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho biết, một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm phải có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp đến giá xăng dầu rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng, nghịch lý thị trường hiện nay là hoạt động phân phối không công bằng. Khâu trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã hưởng lãi nhiều còn người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Vì vậy, nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn thì câu chuyện “té nước theo mưa”, hay giá cả hàng hóa “lên nhanh, xuống chậm” sẽ khó chấm dứt.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Nền kinh tế thị trường của Việt Nam có sự quản lý của Nhà nước, do đó, không thể lấy lý do để thị trường quyết định mọi thứ cũng như để các doanh nghiệp phân phối lớn, các siêu thị lớn gây ảnh hưởng không lành mạnh. Các cơ quan quản lý của nhà nước, trong đó có các đơn vị như quản lý thị trường, cần làm tốt hơn nữa vai trò trọng tài để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như lợi ích của người tiêu dùng.
Đặc biệt, ông Phú cũng lưu ý vấn đề cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và nhất là phải giảm các khâu trung gian.
Ông Phú lấy ví dụ, 1 kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng 3-4 khâu trung gian đã đẩy giá lên, nên phải xem xét vì đó là các yếu tố tồn tại lâu rồi, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá. Ngoài biện pháp hành chính bất đắc dĩ phải làm, cần phát huy vai trò của các hội, hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ ở các chợ, khu phố… để làm sao những người buôn bán nhận thức, tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, về chu trình, độ trễ của giá cả trên thị trường là như vậy, tuy nhiên, ông Lực cũng phân tích, thông thường các doanh nghiệp tính toán khi giá xăng dầu giảm và nếu họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì đến khi sau này khi điều chỉnh tăng lên lại khó. Ngoài ra, sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng cần phải sát tình hình hơn nữa. Các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng.
Ông Lực cũng cho rằng, “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”, đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay mấy tháng được mà chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh giá ngay.
Riêng về giá xăng dầu, trả lời câu hỏi vì sao khi xăng dầu giảm liên tiếp nhưng giá dịch vụ vận tải không hề suy chuyển, thậm chí còn đang có dấu hiệu leo thang, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc, cho hay: Có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải nói riêng, hay giá thành dịch vụ nói chung. Khi có một yếu tố biến động, những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại. Ông Ngọc dẫn chứng hãng taxi phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông vận tải, phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá... “Những cái đó cũng có độ trễ, cần một khoảng thời gian nhất định” - ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, ông Ngọc đồng tình với quan điểm cho rằng không nên trễ quá. “Khi nhiên liệu, một yếu tố chiếm đến 30%-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải, đã giảm rồi mà anh lại chưa kịp giảm hoặc giảm chậm thì không đúng” - ông Ngọc nói.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần phải phát huy vai trò của mình hơn nữa, đấu tranh cho quyền lợi của người tiêu dùng hơn nữa. Việc hàng hoá tăng nhanh theo giá xăng, và không giảm theo giá xăng là điều bất bình thường và cần phải lên tiếng mạnh mẽ.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, bà Đinh Thị Nương, cho biết Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua. Bộ cũng sẽ tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá. Bà Nương nhận định: Với các mặt hàng thiết yếu, dự báo cuối năm có những biến động phức tạp, khó lường. Nguyên nhân, do giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, các nguyên liệu như xăng dầu, vật tư công nghiệp… nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước sẽ có những biến đổi phức tạp.
“Trường hợp có mặt hàng biến động giá lớn, căn cứ các pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa những mặt hàng đó vào danh mục bình ổn giá” - bà Nương cho hay.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, toàn bộ chuỗi cung ứng phải xem lại và phải quan tâm tới người nông dân, công nhân - là những nhân tố tạo ra sản phẩm nhưng lại thiệt thòi nhất trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Hạ tầng thương mại, các chợ đầu mối chưa có sàn giao dịch, chủ yếu giao dịch trực tiếp. Chẳng hạn, nếu một bó rau muống 2.000 đồng nhưng vào sàn giao dịch lên 6.000 đồng, nông dân được hưởng thêm, giảm trung gian và người tiêu dùng cũng được mua rẻ hơn.
“Ngoài ra, có thể đẩy mạnh cải cách hành chính vì vận tải, doanh nghiệp muốn tăng giảm giá nhanh phải phụ thuộc vào thủ tục. Do vậy, cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh, vừa đáp ứng mong mỏi người tiêu dùng, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp” - ông Phú nói.
H.Hương(ghi)