Linh hoạt trong luân chuyển cán bộ

H.Vũ (thực hiện) 08/08/2022 09:09

Tuần qua, tại Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM) do Bộ Nội vụ Việt Nam chủ trì với vai trò Chủ tịch, đại biểu đến từ Singapore – nơi có nền công vụ được coi là hình mẫu cho các nước ASEAN, đã truyền đạt kinh nghiệm trong việc luân chuyển cán bộ linh hoạt trong hệ thống công chức. Liệu mô hình này có thể áp dụng ở Việt Nam?

Ông Đào Trọng Thi.

Theo Giáo sư – Viện sĩ Đào Trọng Thi – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) cho rằng, hoàn toàn có thể áp dụng mô hình của Singapore tại Việt Nam.

PV: Thưa ông, tại diễn đàn về “Quản trị đất nước tốt” đại diện Trường Công vụ Singapore đã nêu kinh nghiệm về việc luân chuyển cán bộ linh hoạt trong hệ thống công chức. Theo ông chúng ta có thể áp dụng mô hình này của bạn?

Ông Đào Trọng Thi: Đây không phải là luân chuyển bất kỳ, mà là luân chuyển một số vị trí phù hợp trong một thời gian. Nếu chúng ta áp dụng theo thì cần xem xét vị trí luân chuyển có phù hợp hay không. Đơn cử như về chuyên môn, vị trí cần luân chuyển ở hai bộ, đơn vị có giống nhau một số chức danh hay không. Ví dụ ông làm nhân sự ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và ông làm nhân sự ở Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có thể đổi cho nhau. Vì đó là chuyên môn về nhân sự. Còn nếu ở các vụ mang tính chất chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực của 2 bộ thì không luân chuyển như vậy được.

Để giữ chân nhân tài, Singapore cũng có giải pháp cho cán bộ đi “biệt phái” ở các hãng hàng không hoặc các tổ chức ngân hàng để họ có thể học những kỹ năng của giới doanh nghiệp, sau đó có thể quay về cơ quan công quyền làm việc. Chúng ta có thể áp dụng, thưa ông?

- Chính sách đó cũng khá hay, và đó cũng là một hình thức đào tạo. Hiện nay lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước là một công chức. Một người đang lãnh đạo cơ quan Nhà nước, có tài và phù hợp thì cũng có thể cử sang làm lãnh đạo một doanh nghiệp Nhà nước. Hay như các cơ quan Đảng, chính quyền có thể luân chuyển cho nhau trong cùng một hệ thống. Như trong Quân đội đi “biệt phái” nhưng vẫn ăn lương và biên chế bên Quân đội, là người của Quân đội.

Tại nhiều nước, việc thực hiện luân chuyển không chỉ đối với cán bộ thông thường, thậm chí Bộ trưởng có thể không phải là người trong ngành song bộ máy vẫn hoạt động hiệu quả?

- Mỗi nước có hệ thống chính trị khác nhau. Ở ta là “kỹ trị”, nghĩa là dựa vào chuyên môn. Phải nắm lĩnh vực chuyên môn mà mình phụ trách. Còn ở các nước thì Bộ trưởng là chính khách. Họ làm ở bộ nào cũng được, không đặt vấn đề có đúng lĩnh vực được đào tạo hay không. Bởi Bộ trưởng chỉ làm thiết kế chính sách. Còn từ Thứ trưởng trở xuống phải là chuyên môn sâu. Vì thế tại nhiều nước, có chính khách nữ không biết về kỹ thuật quân sự nhưng lại làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Còn phụ trách quân sự quốc phòng là Tổng tham mưu.

Việc luân chuyển cán bộ như vậy cũng là hình thức để đào tạo. Có lẽ chúng ta cần linh hoạt trong tăng cường người cho cơ sở, ví như tỉnh, thành điều chuyển xuống tăng cường cho quận, huyện; quận huyện tăng cường cho xã, phường thay vì chỉ luân chuyển phục vụ công tác cán bộ?

- Từ lâu chúng ta đã tăng cường luân chuyển cán bộ, kể cả ở cấp Trung ương lẫn tỉnh thành. Nhiều cán bộ luân chuyển từ Trung ương về làm lãnh đạo tỉnh. Ngược lại, cũng có luân chuyển cán bộ từ tỉnh lên Trung ương. Bên cạnh đó trong cấp tỉnh, thành đã có sự luân chuyển cán bộ từ tỉnh, thành xuống cấp quận, huyện; từ cấp quận, huyện xuống cấp xã phường. Thậm chí giữa các quận, huyện với nhau.

Ở cấp quận, trước khi được đề bạt lên vị trí cao hơn, cán bộ thường được đưa về cấp phường làm lãnh đạo, sau đó mới quay trở lại đề bạt làm Trưởng, Phó phòng của quận. Chủ tịch phường về cấp bậc chỉ ngang phó phòng của quận. Còn Chủ tịch quận ngang Phó giám đốc Sở. Do đó để bồi dưỡng lên cấp trưởng thì Phó giám đốc Sở có thể đưa về làm Chủ tịch quận, sau đó quay trở lại làm Giám đốc Sở. Như vậy họ sẽ có đủ năng lực của một người từng làm cấp trưởng.

Để xây dựng một nền công vụ hiện đại thì luân chuyển cán bộ cũng là một cách đào tạo công chức, đào tạo cán bộ. Tôi cho rằng đó chính là cách đào tạo bài bản.

Khi “va vấp” thì cán bộ mới trưởng thành nên có lẽ việc luân chuyển cán bộ là việc cần tăng cường, thưa ông?

- Tôi nói ví dụ một người là Phó giám đốc Sở, họ chỉ phụ trách một lĩnh vực của Sở mà mình được phân công. Nhưng khi điều chỉnh sang làm Chủ tịch quận thì họ phải bao quát chung nhiều vấn đề chứ không chỉ mỗi lĩnh vực đó. Chưa kể làm việc với vị trí cấp trưởng, điều hành mọi việc; nên nếu họ không trưởng thành thì không những không “lên chức” mà thậm chí còn không được trọng dụng. Đây cũng là chuyện bình thường của quy trình đào tạo. Tức là có người thành công, có người không thành công, có người thành công ít, có người thành công nhiều.

Người không có năng lực, hoặc chọn không đúng chỗ sẽ không thành công. Nhưng thực tế trước khi đi luân chuyển thì cán bộ đó đã được “chọn lọc” rồi chứ không phải “chọn bừa”. Phải “nhắm” trước thấy cán bộ bộc lộ năng lực, mới luân chuyển để đào tạo. Cán bộ được luân chuyển qua các vị trí công tác khác nhau, mà vị trí nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cán bộ đó được đánh giá là tốt. Chưa kể trong công tác cán bộ thì luân chuyển cũng là một trong những điều kiện để bổ nhiệm sau này. Cán bộ được đào tạo ở nước ngoài về, có bằng cấp nhưng chưa nắm cơ sở, thực tế, chưa chắc họ đã phát huy hết khả năng, năng lực của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)