Cần thành lập một ban chuyên môn mới để nghiên cứu, tập hợp kiến nghị của các tầng lớp nhân dân
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024, ngày 8/8, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hệ thống MTTQ từ Ban công tác Mặt trận đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, phải thường xuyên, hàng ngày, thậm chí hàng giờ lắng nghe, theo dõi, tập hợp để phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân cho Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tán thành với việc đổi mới, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của các ban chuyên môn hiện có của MTTQ Việt Nam.
Ông Đỗ Duy Thường đề xuất nên thành lập một ban chuyên môn mới thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo; theo dõi, tập hợp dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn lo lắng của giai tầng xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam, mà trong hệ thống MTTQ từ Ban công tác Mặt trận đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, phải thường xuyên, hàng ngày, thậm chí hàng giờ lắng nghe, theo dõi, tập hợp để phản ánh cho Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
Ông Đỗ Duy Thường cũng đề nghị Ban Thường trực quan tâm đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong mục “Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ MTTQ, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư”.
Vấn đề cần quan tâm của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực là cần xây dựng và ban hành cơ chế về tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận mà tại khoản 3, Điều 6 Luật MTTQ Việt Nam đã quy định.
Điều lệ MTTQ có quy định một số vấn đề, nhưng chưa đầy đủ, toàn diện về cơ chế tổ chức và hoạt động. Do đó, cần quy định nhiệm vụ này cho Ban Tổ chức cán bộ chủ trì tham mưu, nghiên cứu để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Một lĩnh vực công tác còn khoảng trống nữa, đó là hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư do MTTQ tổ chức và hướng dẫn thực hiện mấy chục năm qua từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, cần quy định nhiệm vụ này cho Ban Phong trào nghiên cứu, tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực.
Nhắc đến vai trò của Hội đồng Tư vấn, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, hiện nay, Hội đồng Tư vấn chưa có địa vị pháp lý và chưa có đầy đủ cơ chế về tổ chức và hoạt động, bởi vậy Đảng đoàn, Ban Thường trực cần nghiên cứu, xem xét đưa vào đề án trình Bộ Chính trị cho chủ trương để Nhà nước có cơ chế, chính sách, pháp luật.
Nêu tình hình về số lượng Hội đồng Tư vấn ở Trung ương với 144 người tại 7 Hội đồng và ở địa phương có 1.443 người ở tại 168 Hội đồng Tư vấn, ông Đỗ Duy Thường cho biết, số lượng thành viên Hội đồng có chuyên môn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội còn nhiều hơn số lượng cán bộ chuyên môn, chuyên trách của Cơ quan Ủy ban MTTQ cùng cấp.
“Thực tế cho thấy, biên chế cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ mỗi cấp là có hạn, nhưng chúng ta có một số lượng cán bộ không chuyên trách là các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên nhiều hơn so với số cán bộ chuyên trách có chuyên môn của cơ quan Ủy ban MTTQ ở mỗi cấp thường xuyên tham gia công tác giám sát và phản biện xã hội, lắng nghe và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Bởi vậy cần có cơ chế cụ thể để phát huy vai trò của mỗi Hội đồng Tư vấn”, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị.