Lịch sử thành môn bắt buộc: Không làm khó nhà trường và học sinh

Thu Hương 09/08/2022 09:18

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Phụ huynh làm thủ tục nhập học lớp 10 cho con tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) năm học 2022-2023.

Theo đó, môn Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành 1 trong 8 môn học bắt buộc. Số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn, học sinh (HS) được lựa chọn 4/9 môn này.

Học sinh thuận lợi khi chọn môn

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Dương Mạnh Hải - Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, 400 HS lớp 10 tuyển vào năm học 2022-2023 đã được phân thành 10 lớp với số lượng chọn các môn tổ hợp tương đối đồng đều. Tỷ lệ này so với mọi năm thì có phần nhỉnh hơn ở khối tự nhiên nhưng đây cũng chưa phải là con số cuối cùng vì phần lớn, đến lớp 12 nhiều HS lại thay đổi. “Trước mắt, với việc Lịch sử trở thành môn bắt buộc, nhà trường không có khó khăn gì khi sắp xếp lại tổ hợp bộ môn. Giáo viên nhà trường cũng hoàn toàn đáp ứng được còn HS thì dễ dàng hơn vì chỉ cần chọn 4 thay vì 5 môn học tự chọn như trước” - ông Hải thông tin.

Ông Vũ Trí Thức - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức B (Hà Nội) cho biết, công tác tuyển sinh lớp 10 của nhà trường đã hoàn tất từ đầu tháng 8. Về thiết kế tổ hợp bộ môn, nhà trường triển khai sớm, đầu tiên là xây dựng tổ hợp, triển khai tới các trường cấp 2 trên địa bàn để các em HS khối 9 nắm được trước khi đăng ký thi, thăm dò ý kiến HS. Vì vậy, khi đăng ký vào trường, các em đã có những định hướng cơ bản.

Việc thay đổi môn Lịch sử thành bắt buộc thay vì tự chọn cũng không ảnh hưởng gì đến việc đăng ký, xếp lớp của HS. Hiện trường có 6 lớp tự nhiên và 7 lớp xã hội. Đội ngũ giáo viên được chọn lọc đã sẵn sàng cho năm học đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới. Trước đó, thầy cô đã được tập huấn đầy đủ, đạt yêu cầu kiểm tra.

“Khó khăn ở một số môn như giáo dục quốc phòng sẽ học ở tất cả các lớp nhưng nhà trường chưa có giáo viên chuyên trách. Môn giáo dục địa phương, trường đã chủ động phân giáo viên các môn ban Khoa học xã hội, tuy nhiên còn phụ thuộc vào giáo trình do Sở GDĐT cung cấp. Môn hoạt động trải nghiệm do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm” - ông Thức thông tin và cho biết, nhìn chung năm nay không có tình trạng dôi dư hay thiếu hụt quá lớn về mặt đội ngũ giáo viên.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) cho rằng, vì tổ hợp tự chọn sẽ theo các con suốt 3 năm nên ngay khi HS nộp hồ sơ, nhà trường đã phải định hướng dựa trên nguyện vọng và năng lực của từng HS. Chẳng hạn, nếu điểm thi vào lớp 10 của HS quá thấp, dưới trung bình thì không nên đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên.

“Với những HS có quyết tâm chúng tôi cũng động viên các con theo đuổi nguyện vọng của mình và sẽ tạo điều kiện, bồi dưỡng hết sức” - bà Thủy tâm tư và cho rằng, thuận lợi của nhà trường là đội ngũ thầy cô trẻ, nhiệt tình, tâm huyết và có năng lực. Khó khăn là chất lượng đầu vào của HS không cao, nhà trường phải có định hướng nhiều hơn, bồi dưỡng nhiều hơn…

Hoang mang vì chưa có phương án thi tốt nghiệp THPT

Bà Nghiêm Nguyệt Anh - Hiệu trưởng Trường THPT IVS (Hà Nội) cho biết, khi tư vấn HS và gia đình chọn tổ hợp bộ môn để học lớp 10, câu hỏi nhà trường nhận được nhiều nhất là tới đây sẽ thi tốt nghiệp thế nào? “HS rất lo lắng nếu chọn tổ hợp A nhà trường đưa ra nhưng sau này, khi thi tốt nghiệp THPT không có môn này mà là môn khác thì sao? Chúng tôi vẫn tư vấn, định hướng cho các em theo hướng giả định là kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm tới sẽ giữ nguyên như hiện nay, các khối xét tuyển vào ĐH cũng tương tự. Tuy nhiên, để các em thực sự yên tâm học, nhà trường yên tâm giảng dạy, mong Bộ GDĐT công bố sớm các phương án thi có liên quan” - bà Anh kiến nghị.

Trên thực tế, việc HS có định hướng rõ ngay từ khi học lớp 10 thì việc lựa chọn tổ hợp sẽ không khó khăn. Tuy nhiên, với những HS vẫn đang còn mông lung về hướng đi sau tốt nghiệp THPT thì việc chọn môn tự chọn nào để phục vụ thi tốt nghiệp, thi ĐH hoặc sau này ra trường, các kiến thức được ứng dụng vào thực tế sẽ khó khăn hơn.

Đó là chưa kể, ở chương trình hiện hành, nhiều em xác định thi ĐH 1 khối nhưng đến cuối năm lớp 12 bất ngờ rẽ hướng, chọn khối thi khác vì những lý do khác nhau. Điều này với chương trình GDPT mới sẽ có những hạn chế nên vấn đề trước mắt là các nhà trường cần tư vấn, định hướng rõ cho HS và gia đình.

Từ phía HS và gia đình cũng cần cân nhắc nguyện vọng, năng lực, sở thích của HS có phù hợp để theo đuổi lựa chọn của mình hay không, tránh tình trạng đăng ký học nhưng sau một năm lại muốn thay đổi sẽ rất khó cho nhà trường và chính HS vì phải học bổ sung, xếp lớp, giáo viên kèm riêng…

Theo kế hoạch, trước ngày 20/9, Bộ GDĐT sẽ hoàn thành việc tập huấn và hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT cho một số cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các địa phương, cơ sở giáo dục. Mục tiêu là để giáo viên nắm chắc hơn về chương trình đã được điều chỉnh; giúp nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học đạt hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT Nguyễn Xuân Thành khẳng định việc bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó có môn Lịch sử (70 tiết/năm học) đã được tổ chức thực hiện trong những năm qua và sẵn sàng triển khai năm học 2022-2023. Nay, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện tinh giảm từ chính chương trình mà giáo viên đã được bồi dưỡng nên giáo viên bảo đảm năng lực để thực hiện.

Thu Hương