Vu Lan báo hiếu: Không đơn thuần là ngày lễ đền ơn sinh thành
Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/7 âm lịch, là dịp để người Việt hướng đến văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên bên cạnh ý nghĩa chính đền ơn sinh thành, dưỡng dục.
Trước thềm ngày Lễ Vu Lan báo hiếu, PV Báo Đại Đoàn Kết Online liên hệ với thầy Thích Nhật Từ, Thượng tọa Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam, TP HCM để nghe thầy giải đáp các khía cạnh đa chiều về ngày lễ văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt.
Nguồn gốc lễ Vu Lan
Trao đổi với PV, thầy Thích Nhật Từ chia sẻ, ngày lễ Vu Lan báo hiếu bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng 7 âm lịch hằng năm.
“Vào đầu tháng 7, nhiều chùa trên cả nước đã bắt đầu chuẩn bị cho ngày lễ Vu Lan, các hoạt động diễn ra từ đầu tháng hướng đến ngày chính hội được tổ chức vào rằm tháng 7 hàng năm.
Các hoạt động hướng đến ngày lễ bao gồm: Kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, tụng kinh - sám hối Vu Lan, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sĩ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức “Bông hồng cài áo” tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…
Những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ ngày lễ đều hướng đến văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam”, thầy Thích Nhật Từ nói.
Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan
Theo thầy Thích Nhật Từ, ngày nay lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và với tiên tổ.
“Ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ngày nay, đây không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện”, thầy Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
3 bông hồng cài áo ngày Vu Lan có ý nghĩa gì?
Thầy Thích Nhật Từ cho biết, đặc trưng để phân biệt ngày lễ Vu Lan với những ngày lễ khác trong Phật giáo là nghi thức “Bông hồng cài áo”. Theo đó, vào ngày này, những người đi lễ chùa sẽ được sư thầy cài cho một bông hoa trước ngực áo. Mỗi bông hoa sẽ mang ý nghĩa riêng, thông thường dựa trên màu sắc để phân biệt.
Khi được hỏi về ý nghĩa của 3 bông hồng được sử dụng trong ngày lễ Vu Lan, thầy Thích Nhật Từ lý giải, nghi thức "Bông hồng cài áo" thường được tổ chức trong ngày lễ Vu Lan tại các ngôi chùa Việt Nam để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ có công dưỡng dục đối với con cháu.
Trong nghi thức đó, các Phật tử với 3 giỏ hoa hồng (màu đỏ, màu trắng và màu vàng) sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo với ý nghĩa tự hào vì đang còn mẹ. Các con sẽ cố gắng để mẹ luôn được an vui...
Còn những người không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Riêng hoa hồng màu vàng được Phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ.
Mâm cúng lễ Vu Lan
Cũng theo thầy Thích Nhật Từ, nếu không đến chùa đón lễ Vu Lan, mỗi gia đình có thể tự chuẩn bị mâm cúng lễ tại nhà. “Mâm cúng lễ Vu Lan thường được chuẩn bị đơn giản, không cần quá chú trọng "mâm cao, cỗ đầy”. Vào ngày này chỉ cần một đĩa trái cây, gạo, muối để báo cáo gia tiên.
Trình tự cúng Vu Lan bao gồm các nghi thức: Cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cuối cùng là cúng thí thực chúng sinh”, thầy Thích Nhật Từ cho hay.
Nói về tầm quan trọng của lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức hàng năm, thầy Thích Nhật Từ nhấn mạnh: “Đại lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những minh chứng rõ ràng của sự gắn bó trong hơn 2.000 năm giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và dân tộc.
Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt Nam hàng ngàn năm nay”.