Hơn 50% thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học
Theo Vụ Giáo dục đại học (ĐH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính đến nay dù đã hết 2/3 thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển, song còn rất nhiều thí sinh chưa thực hiện (trên 50%). Thống kê cũng cho thấy hiện mới chỉ có 180.823 nguyện vọng đã được đăng ký trên Hệ thống.
Mùa tuyển sinh năm 2022, theo quy định của Bộ GDĐT, từ ngày 22/7 đến 20/8, thí sinh thực hiện các quy trình đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống của Bộ GDĐT. Trong thời gian quy định trên, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Tuy nhiên, thực tế cho đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều thí sinh vẫn chưa đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống với nhiều lý do. Trong đó chủ yếu là chưa xác định được ngành, trường yêu thích nên cần suy nghĩ tiếp.
Em Nguyễn Ngọc Anh Minh - Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hiện em đã xác định được ngành học yêu thích thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, nhưng chưa “chốt” được trường nào để đăng ký nguyện vọng. Nhiều thí sinh khác cũng trong tâm thế tương tự. Ngoài ra cũng có không ít thí sinh vẫn chờ đợi đến gần cuối thời hạn đăng ký để có thêm thời gian cân nhắc, lựa chọn.
Trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH- Bộ GDĐT cho biết, quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ quy định không giới hạn số lần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng là để tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh trúng tuyển. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh. “Mỗi phương thức xét tuyển có tỷ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, thí sinh nên đăng ký là nguyện vọng 1. Đồng thời, các em không nên tập trung tất cả nguyện vọng vào trường top đầu, có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không cẩn thận, các em có nguy cơ không đỗ trường nào” - bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký. Nên thực hiện trong 10 ngày đầu tháng 8, sau đó nếu điều chỉnh gì vẫn còn 10 ngày nữa để xem xét.
Trước đó, Vụ Giáo dục ĐH cũng khuyến cáo thí sinh, sau khi đăng ký xét tuyển vẫn tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng (trong thời gian quy định) không giới hạn số lần. Khi hết thời gian đăng ký, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo và khi đó, thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký xét tuyển nữa. Vì vậy, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển trước hạn cuối, cụ thể trước 17 giờ ngày 20/8 để tránh các rủi ro về kỹ thuật (nếu có).
Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu các em bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng, chọn ngành, tránh sai sót và ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sau này.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH: Hiện nay, thí sinh đã biết mình đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển. Nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển một nguyện vọng trên hệ thống thì các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị. Do vậy, các em cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.