Trái Đất đang di chuyển ra xa Mặt trời
Khoảng cách trung bình từ Mặt trời đến Trái Đất là khoảng 152 triệu km, nhưng khoảng cách đó đang ngày càng lớn dần, trong bối cảnh khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt trời luôn không ổn định theo năm tháng.
Khoảng cách trung bình của Trái Đất so với Mặt trời đang tăng lên, nhưng gia tăng với tốc độ rất chậm, xấp xỉ 6 cm một năm. Sự gia tăng đó được cho là không là gì so với sự thay đổi khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt trời xảy ra hàng năm do quỹ đạo hình elip của hành tinh xanh.
Trung bình, Trái Đất cách mặt trời khoảng 150 triệu km, theo NASA. Tuy nhiên, quỹ đạo của Trái Đất không hoàn toàn tròn mà hơi giống hình elip. Điều này nghĩa là khoảng cách giữa Trái Đất với Mặt Trời có thể nằm trong khoảng 147,1 - 152,1 triệu km. Tuy nhiên, tính trung bình, khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời đang tăng dần theo thời gian. Hai nguyên nhân chính là sự mất khối lượng của Mặt Trời và các lực tương tự loại gây ra thủy triều trên Trái Đất.
Giới chuyên gia cho biết, hiện tượng Trái Đất ngày càng dịch chuyển ra xa Mặt trời cho thấy hệ Mặt trời đang bị lão hóa. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trên là do Mặt trời bị mất khối lượng liên tục. Với cơ chế phản ứng tổng hợp hạt nhân, Mặt trời biến khối lượng của nó thành năng lượng cung cấp cho sự sống trên Trái Đất.
Theo nhà khoa học Einstein, vật chất và năng lượng không thể bị phá hủy hoặc tạo ra mà chỉ được chuyển đổi. Điều này có nghĩa là khối lượng của Mặt trời liên tục cạn kiệt. Cuối cùng, Mặt trời sẽ mất khoảng 0,1% khối lượng trước khi khởi đầu chu kỳ chết hàng tỷ năm trong tương lai.
0,1% nghe có vẻ không nhiều, nhưng thực chất lại là khối lượng rất lớn, tương đương với sao Mộc, theo DiGiorgio. Sao Mộc có khối lượng gấp khoảng 318 lần khối lượng Trái Đất. Lực hấp dẫn của một vật tỷ lệ với khối lượng của vật đó. Do Mặt Trời giảm khối lượng, lực hút tác động lên Trái Đất cũng yếu đi, khiến Trái Đất trôi ra xa khoảng 6 cm mỗi năm.
Các nhà khoa học tính toán, với tốc độ di chuyển như hiện nay, nhiệt độ Trái Đất sẽ hạ một chút sau 1 tỷ năm, với năng lượng Mặt trời tác động vào Trái đất ít hơn khoảng 0,4%.
Điều đáng quan tâm hơn là trong 5 tỷ năm tới, Mặt Trời được dự đoán là sẽ tăng độ sáng khoảng 6% cứ sau một tỷ năm, khiến nhiệt độ Trái Đất dần tăng lên và đun sôi các đại dương. Hầu hết các mô hình thiên văn dự đoán một khi Mặt trời trở thành một quả cầu khổng lồ đỏ, nó sẽ nuốt chửng Trái Đất khi kích thước giãn nở ra 100 lần.
Sau 5 tỷ năm, Mặt trời sẽ chết. Sau khi cạn nguồn hydro, Mặt trời sẽ đốt cháy thành phần trong lõi, khiến nó ngày càng phình ra, đồng thời giải phóng hàng loạt vật chất vào vũ trụ thông qua các luồng hạt điện tích mạnh từ vùng thượng quyển.
Nếu vẫn muốn sống trên Trái Đất khi Mặt Trời mở rộng, con người sẽ phải dần dần di dời hành tinh xanh ra phía ngoài, tới khoảng quỹ đạo sao Thổ, giúp Trái Đất duy trì điều kiện ôn hòa phù hợp cho sự sống. "Tuy nhiên, điều này khá phi thực tế. Giải pháp đơn giản hơn là rời bỏ Trái Đất và tìm một hành tinh hoặc hệ sao khác để sinh sống", DiGiorgio nhận định.