Không thể lấy hình ảnh trang phục của nghệ sĩ trên sân khấu để làm theo
ĐBQH cho rằng, trong bối cảnh internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, phong cách thời trang, việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ đều được dư luận và giới trẻ quan tâm.
Không thể lấy hình ảnh trang phục của nghệ sĩ trên sân khấu để làm theo
Ngày 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên đến cộng đồng ngày càng lớn. Trong bối cảnh internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, nhất là phong cách thời trang, việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ đều được dư luận và giới trẻ quan tâm.
“Tuy nhiên đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong mỹ tục đối với cách ăn mặc của không ít nghệ sĩ hiện nay? Tại sao đều là trang phục theo phong cách hở hang, nhưng người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng như nghệ sĩ lại được cho là đẹp, còn với người bình thường bị cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục”, bà Trân đặt câu hỏi.
Theo bà Trân, nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội hơn người bình thường, nhất là những tác động đến xu hướng hình thành tính cách của giới trẻ. “Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên để đảm bảo phát triển văn hóa con người gắn với thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc hiện nay?”, bà Trân nói.
Trả lời, ông Hùng cho biết, vừa qua giới nghệ sĩ có rất nhiều vấn đề phiền toái, ứng xử không đẹp, phản văn hóa. Bộ đã ban hành quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp, nêu khát vọng cống hiến, lấy giá trị thước đo là chân thiện mỹ, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Dù đây không phải là chế tài nhưng văn nghệ sĩ rất phấn khởi, coi đây là hướng vận động về phạm trù đạo đức, để mọi người tự giác.
Nêu quan điểm, ông Hùng bày tỏ, một số nội dung phản cảm thì chúng ta có nhắc nhở. Chúng ta không thể lấy hình ảnh trang phục của nghệ sĩ trên sân khấu để làm theo. Như vậy cũng không đúng vì cái này tùy theo gu thẩm mỹ.
Theo ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai), pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu và quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Thời gian qua, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện và tăng cường, nhưng quan hệ xã hội nhiều nơi, nhiều lúc ngày càng nóng bỏng, khiến cử tri và nhân dân lo lắng. Nhiều cử tri cho rằng do đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đạo đức gia đình đều xuống cấp.
Gợi dục trong team building là vấn đề đáng lên án
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề nghị, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu quan điểm về việc gần đây xuất hiện những trò chơi gợi dục trong team building. Trả lời, ông Hùng cho rằng “đây là vấn đề đáng lên án”.
Theo ông Hùng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ đạo các công ty du lịch tổ chức trò chơi này. Đây là những trò chơi ở nước ngoài được du nhập vào Việt Nam nhưng không qua chọn lọc.
“Chúng tôi khuyến nghị thành viên tham gia team building không hưởng ứng các trò chơi phản cảm, mang lại hệ lụy không tốt. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra các công ty du lịch, nếu phát hiện tổ chức trò chơi phản cảm sẽ xử lý.
Phát biểu sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, vấn đề văn hóa trên môi trường mạng thì đời thực có gì thì trên mạng có cái đó nhưng tốc độ lan truyền thông tin trên mạng rất nhanh, rộng, nhất là với thông tin xấu.
“Đám cãi nhau ở chợ chỉ vài trăm người nghe thấy, nhưng lên mạng thì hàng triệu người biết", ông dẫn chứng và cho biết, theo thống kê, tốc độ lan truyền thông tin xấu nhanh gấp 6, 7 lần tin tốt. Do đó cần tiếp tục xử lý các đối tượng lợi dụng mạng xã hội xâm phạm quyền, lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Người bị xâm phạm trên mạng xã hội cần lên tiếng để cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.