UBTƯ MTTQ Việt Nam phản biện xã hội đối với Dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia

Vũ Mạnh 10/08/2022 19:58

Chiều ngày 10/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu dự Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ Quy hoạch, trong đó phân tích để thấy cơ sở pháp lý, thực tiễn thời kỳ quy hoạch; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế, góp ý để chỉ rõ quan điểm, mục tiêu và những tác động trong tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phân tích để góp ý làm rõ căn cứ, yêu cầu, mục tiêu phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; định hướng sử dụng tài nguyên Quốc gia, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị.

Tham gia ý kiến đối với định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cần phải được quy hoạch theo chức năng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền và hiệu quả khi đầu tư. Đồng thời, cần xem xét đến các yếu tố khác để hướng tới sự cân đối hài hòa liên quan đến các yếu tố địa lý, dân cư và lịch sử, văn hóa. Đối với các hành lang vận tải chính, kết cấu hạ tầng các phương thức vận tải phải là “xương sống” cho các hoạt động vận tải.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tham luận tại Hội nghị.

Về mục tiêu phát triển, dự thảo đề ra, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, để đảm bảo sự kết nối, phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải, nên chăng dự thảo cần đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2050 đối với từng phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không để đảm bảo các phương thức vận tải này được phát triển đồng bộ và hài hòa với mạng lưới đường bộ. Đồng thời, cần làm rõ hơn các chỉ tiêu phát triển, có con số, chỉ tiêu cụ thể, không nên quá chung chung như trong dự thảo.

GS.TS Đặng Kim Chi tham luận tại Hội nghị.

Góp ý kiến đối với định hướng bảo vệ môi trường trong quy hoạch tổng thể quốc gia, GS.TS Đặng Kim Chi, Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, các quan điểm, mục tiêu cần bổ sung lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

GS.TS Đặng Kim Chi cũng kiến nghị, việc quản lý và tổ chức không gian phát triển phải dựa trên nền tảng phân vùng môi trường. Phát triển theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên, hài hòa giữa các vùng. Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo cách tiếp cận tổng hợp, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, liên vùng, liên ngành, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên.

“Định hướng bảo vệ môi trường trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần hướng tới mục tiêu là ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; kiểm soát được các nguồn ô nhiễm, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp từng bước cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, góp phần phát triển bền vững đất nước”, GS.TS Đặng Kim Chi đặt vấn đề.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế (UBTƯ MTTQ Việt Nam) tham luận tại Hội nghị.

Đi sâu phân tích về nguồn nhân lực, PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, báo cáo minh họa cho dự thảo Quy hoạch đã chỉ ra thực trạng động thái dịch chuyển nhân lực giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, cần nối kết động thái này với việc phân tích thay đổi cơ cấu kinh tế ngành - vùng để có những nhận xét sâu hơn, thực chất hơn về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Liên quan đến vấn đề dịch chuyển nguồn nhân lực, về những nội dung liên quan đến cơ cấu kinh tế vùng được nêu tại dự thảo Quy hoạch, ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần có sự khái quát cao hơn về xu thế dịch chuyển cấu trúc kinh tế vùng.

Theo đó, sự suy giảm tỷ trọng cơ cấu và xu thế tương đối “tụt hậu phát triển” của Vùng Đông Nam bộ là vấn đề đáng được quan tâm làm rõ hơn ở tầm quốc gia. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng công nghiệp 10 năm qua của vùng này đạt thấp (chưa bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước) thực sự là vấn đề rất lớn nên có thêm những đánh giá, nhận xét sâu, khái quát để làm phong phú, thực chất hơn, rõ hơn các đánh giá, nhận định và nguyên nhân ở tầm quy hoạch chiến lược.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị.

Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển đất nước trong những năm tới đảm bảo hiệu quả và bền vững; là văn kiện chung để triển khai các quy hoạch trên các vùng, các ngành, xây dựng quy hoạch các địa phương của cả nước.

“Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị.

Khẳng định với tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao, Hội nghị đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, các tham luận chuyên sâu phản biện tại Hội nghị đều đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, khó và không kém phần nhạy cảm, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dày công chuẩn bị về cơ bản đã đề cập khá toàn diện, sâu sắc một khối lượng đồ sộ liên quan đến chuyên môn sâu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sẽ tiếp tục được nghiên cứu để đóng góp ý kiến.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị.

Xung quanh việc xây dựng dự thảo, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, ngoài quan điểm định hướng lớn, giải pháp chủ yếu khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thì cần quan tâm hài hòa các mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa ổn định đổi mới và phát triển; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, giữa kinh tế và quốc phòng an ninh; giữa kinh tế với văn hóa xã hội; giữa hiện đại, hội nhập quốc tế với văn hóa dân tộc Việt Nam; mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ…

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong rằng, thông qua lắng nghe các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bộ phận soạn thảo sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, tiếp thu ý kiến xác đáng để bổ sung vào báo cáo quy hoạch; đồng thời đề nghị trong quá trình thẩm định hoặc tổ chức các cuộc hội thảo với những nội dung còn có ý kiến khác nhau đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi cho MTTQ Việt Nam để tiếp tục tham gia ý kiến.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với cơ quan chủ trì soạn thảo về những khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để đưa Quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ lớn, phức tạp, cần xác định đây là cơ hội rất quý để đất nước đánh giá lại thực trạng, thực chất, tổng thể nhằm phát hiện, nhận diện những khó khăn thách thức để đưa ra những định hướng mới cho đất nước, tạo ra động lực tăng trưởng mới góp phần đạt được mục tiêu, khát vọng của Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trao đổi, phản biện để Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khắc phục được những hạn chế, yếu kém từ đó kiến tạo không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững.

Vũ Mạnh