Bộ Công an chưa có chủ trương thu sổ hộ khẩu
Ngày 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Trong đó, tại phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là việc xóa bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ngày 10/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã làm rõ vấn đề ngăn chặn tội phạm tín dụng đen; hộ chiếu phổ thông mẫu mới; nhiều địa phương đã thu hộ khẩu khiến người dân khó khăn trong việc xin học cho con, sang tên đất...
Đã có giải pháp khắc phục “hộ chiếu mới”
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, hiện nhiều nước không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp nào để khắc phục?
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng quy định của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả các chi tiết in trên hộ chiếu là thực hiện đúng theo luật. Hộ chiếu mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này, và đều không có “nơi sinh”. Hộ chiếu mới của Việt Nam được đa số các nước trên thế giới chấp thuận. Vừa qua chỉ có 3 nước Đức, Séc, Tây Ban Nha không chấp thuận thì gần đây Tây Ban Nha đã chấp thuận. Hiện nhiều nước cũng vướng phải tình trạng như ta.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công an đã có những giải pháp khắc phục. Với những người đã được cấp hộ chiếu, công dân thấy rằng cần bổ sung nơi sinh thì sẵn sàng bổ sung vào phần “bị chú”. Còn về lâu dài nếu cần bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu nữa thì sẽ báo cáo với Chính phủ, thống nhất với các cơ quan và báo cáo Quốc hội về việc sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Về trách nhiệm, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận, Bộ Công an là nơi chủ trì làm việc này nên cũng xin nhận trách nhiệm, và hiện Bộ cũng đã có giải pháp để khắc phục.
Hiểu không đúng Thông tư 55
ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, những ngày gần đây nhân dân rất quan tâm và lo lắng với thông tin xóa bỏ hộ khẩu giấy, bởi sổ hộ khẩu liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cũng cho biết một số cử tri phản ánh khi đến cơ quan công an làm thủ tục liên quan đến hộ khẩu thì bị thu hộ khẩu giấy. Trong khi đó, công dân khi làm thủ tục ở cơ quan nhà nước như nhập học cho con, nộp hồ sơ xin việc, thủ tục sang tên đất đai vẫn bị yêu cầu mang sổ hộ khẩu giấy đối chiếu, nên phải dùng giải pháp tạm thời là đến cơ quan công an xin xác nhận với hiệu lực trong 6 tháng.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc này có thể là cá biệt, còn Bộ chưa có chủ trương thu hộ khẩu. Có thể ở một xã, phường, cá nhân nào đó thực hiện việc này, nhưng thực tế hộ khẩu giấy vẫn còn giá trị hiệu lực đến ngày 31/12. Bộ sẽ kiểm tra, chấn chỉnh lại việc này.
Về việc học sinh đi học, Bộ trưởng cho hay, Bộ Công an đã nhiều lần đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo là các cháu đến tuổi phải được đi học, việc bố trí đi học thế nào cho thuận lợi nhất, không vì hộ khẩu mà các cháu không được đến trường. “Nguyên tắc chung là như vậy, không thể vì hộ khẩu mà gây khó khăn cho các cháu đi học. Phải sửa đổi các quy định này”- Bộ trưởng Tô Lâm nói và nhấn mạnh: “Đơn vị nào, tổ chức công an nào mà thực hiện không đúng, đề nghị các đại biểu phản ánh, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, không để gây phiền nhiễu, khó khăn phức tạp cho nhân dân. Đây là bệnh giấy tờ”.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Trường Giang cho biết, cử tri vừa nhắn tin cho ông việc thu sổ hộ khẩu thực hiện theo khoản 2, điều 26 Thông tư 55 có hiệu lực từ 1/7/2021, chứ không phải ở một địa phương, địa bàn nào.
“Đây là hiểu không đúng Thông tư 55 của Bộ Công an. Theo quy định chỉ thu sổ hộ khẩu khi có sự điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải thu tất cả sổ hộ khẩu. Khi người dân đến điều chỉnh thông tin mới trong hộ khẩu thì hộ khẩu không có tác dụng nên thu lại. Đồng thời, không cấp mới hộ khẩu khi người dân đến điều chỉnh thông tin và cần xác nhận cho họ. Không có chủ trương thu sổ hộ khẩu lại để làm khó cho nhân dân”- Bộ trưởng Tô Lâm giải thích.
Ngăn chặn hoạt động tín dụng đen
Tại phiên chất vấn, ĐB Lê Thị Song An (Đoàn Long An) đặt vấn đề: Hệ luỵ của của hoạt động tín dụng đen thường dẫn đến hành vi phạm tội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và làm cho nhiều người bước vào vòng lao lý. Hiện tín dụng đen vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến tướng phức tạp, nhất là cho vay qua mạng. Với trách nhiệm của mình, Bộ Công an có giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả vấn đề này?
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tình hình tín dụng đen vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua mạng internet. Gần đây, Bộ Công an đã triệt phá băng nhóm cho vay qua app hoạt động với quy mô lớn, nhiều tỉnh, thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, hàng trăm nghìn khách hàng vay, số tiền cho vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, tiếp tục tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm liên quan đến tín dụng đen, không chủ quan, không chùng xuống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, toàn dân trong giải quyết các loại tội phạm này. “Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải đi vay tín dụng đen. Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, đặc biệt là những băng nhóm, tổ chức tội phạm. Bởi phần lớn các tổ chức tín dụng đen đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự”- Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Thay mặt Chính phủ, báo cáo thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, pháp lý để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai có hiệu quả các văn bản pháp lý của Đảng, Quốc hội và các văn bản pháp lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay kinh doanh tài chính.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ sau chất vấn
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được ĐBQH, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. “Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần sát thực tế rất thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao, 5 chữ T (thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao) đối với cả người hỏi và người trả lời chất vấn”-Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn và các giải pháp, cam kết của hai Bộ trưởng, cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn”-Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Hoài Vũ
Bộ trưởng cần có giải pháp khẩn trương hơn
Là người chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về giải pháp khắc phục dữ liệu chưa đồng bộ trong triển khai tích hợp các thông tin của các ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, thẻ căn cước công dân, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, phần trả lời của Bộ trưởng cơ bản giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên cần giải pháp toàn diện của các bộ, ngành chức năng chứ không chỉ của Bộ Công an. “Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu tiếp tục với các bộ khác để có giải pháp đồng bộ. Sau phiên chất vấn, tôi cho rằng Bộ trưởng cần phải có giải pháp khẩn trương hơn. Vì hiện cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ giữa các ngành, không thể đầy đủ và chính xác khi điều kiện lịch sử về thông tin giấy khai sinh chưa đầy đủ và thống nhất với các loại giấy tờ của cá nhân. Cho nên phải thống nhất chứ không thể “vênh” nhau như thế, khó có thể triển khai. Phải phân loại thông tin, với dạng thông tin thế này thì khắc phục ra sao? Như thế hợp lý và đẩy nhanh tiến độ chứ hiện nay các địa phương đang rất vướng”- bà Nga nói.