Làm sao giữ được truyền thống, nói gọn là 'nếp nhà'

V.Thắng 11/08/2022 06:58

Cùng ngày 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại phiên chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề: Bộ VHTTDL đã có giải pháp gì thúc đẩy hợp tác với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch? Trong khi đó, phản ánh tình trạng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, ĐB Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cơ bản để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong các nhóm ngành hàng, ngành du lịch chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19. Tổ chức quốc tế cũng đánh giá riêng du lịch quốc tế đã thiệt hại 24.000 tỷ USD. Du lịch Việt Nam chưa tính đầy đủ chi tiết nhưng thiệt hại cũng rất lớn vì hầu như phải đóng băng mọi hoạt động. Chỉ từ khi Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch thì khách nội địa mới tăng lên và đạt chỉ tiêu. Khách quốc tế năm nay đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên.

“Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là doanh thu từ lữ hành như Khánh Hòa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có tăng trưởng. Dù vậy, khách quốc tế đang là vấn đề khó khăn. Doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với thị hiếu du khách. Đồng thời, các bộ liên quan cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam” - Bộ trưởng nói và cho biết thêm, đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khảo sát thời điểm trước dịch thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam. Tuy nhiên, một số tổ chức khác đánh giá chỉ 10% khách quốc tế trở lại Việt Nam.

Để khách đến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa. Khách quốc tế đến Việt Nam rất muốn tìm hiểu về văn hóa, con người, do đó chúng ta cần đưa ra các sản phẩm phù hợp.

ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu vấn đề nhiều cử tri cho rằng, đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và đạo đức gia đình có dấu hiệu xuống cấp. Còn theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu, nhưng chưa được giải quyết. “Với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm đến đâu và có kiến nghị gì để giải quyết thực trạng này?”- bà Thuý chất vấn. Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, môi trường văn hóa gia đình là vấn đề rất hệ trọng. Văn hóa bị xâm hại không chỉ trong nhà trường, gia đình, mà thuần phong mỹ tục giữa con người với nhau cũng khác. Trách nhiệm của tư lệnh ngành như thế nào về môi trường văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, truyền thống mai một?

Trả lời, Bộ trưởng Hùng cho biết, thời gian qua Bộ chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa thông qua công cụ pháp luật. Bộ chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội ban hành các luật về vấn đề này; tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị định, quyết định. “Giải pháp căn cơ là bộ chủ động phối hợp bằng các chương trình liên kết để chủ động thực hiện” - Bộ trưởng nói.

Về vấn đề đạo đức trong gia đình, Bộ trưởng cho biết, gia đình chịu nhiều yếu tố tác động; nhiều cơ quan khác nhau, nhiều bộ luật chi phối chứ không chỉ là Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bộ VHTTDL đang triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trong tình hình mới. “Làm sao giữ được truyền thống, nói gọn là “nếp nhà”, biết ơn người sinh thành, trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc. Vấn đề quan trọng là vận động để tổ chức thực hiện. Cho nên chúng tôi cũng khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, gia đình văn hóa với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từ đó để nhân lên những hình ảnh đẹp trong cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Là người chất vấn Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng. Tuy nhiên ông Hòa cho rằng, môi trường văn hoá bị xâm hại, đạo đức xã hội bị xuống cấp không chỉ trong nhà trường mà còn xuống cấp trong gia đình, cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái là vấn đề không mới nhưng đến nay vẫn tồn tại. Bộ trưởng đưa ra giải pháp sắp tới đẩy mạnh tuyên truyền, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, đưa ra quy ước trong nhà trường, cộng đồng nhưng thời gian qua thực hiện còn “trên giấy”. Do đó cần tổ chức thực hiện, giáo dục đạo đức lối sống, sinh hoạt cho thanh thiếu niên để trở thành công dân gương mẫu, ông bà gương mẫu, cha mẹ gương mẫu, con cái hiếu thảo là vấn đề cực kỳ quan trọng. “Làm sao thực hiện tốt để đạo đức xã hội tốt trở lại, mái ấm như xưa mà truyền thống quý báu về gia đình được tổ tiên, cha ông để lại”- ông Hoà nói.

V.Thắng