Sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng
Sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng tiếp tục có xu hướng gia tăng tại Hà Nội. Những ca bệnh nặng bắt đầu được ghi nhận đã gióng lên hồi chuông cảnh báo bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm nếu không có những biện pháp phòng chống kịp thời.
Sốt xuất huyết vào mùa
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Nhi khoa của cơ sở y tế này đã tiếp nhận và điều trị thành công cho 2 trường hợp bệnh nhi mắc SXH có biến chứng nặng. Theo đó, cả 2 bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng sốc SXH Dengue, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa cơ quan và có tiên lượng tử vong rất cao. Tuy nhiên, với nỗ lực của các bác sĩ, cả hai trẻ đều đã được điều trị thành công và được xuất viện.
TS. BS. Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Dù các ca SXH tại miền Bắc mới tăng lên nhưng ca bệnh nặng đã có ngay từ giai đoạn sớm. Hai ca bệnh trên có địa dư khác nhau, thời gian diễn biến bệnh khác nhau nhưng đều có các dấu hiệu tổn thương gan, tổn thương tim, rối loạn đông máu nặng, tràn dịch đa màng .... khiến quá trình điều trị khó khăn”.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua thành phố ghi nhận 149 ca mắc SXH, không có ca tử vong, tăng 2,3 lần so với tuần trước. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 26 quận/huyện; 89 xã/phường/thị trấn. Cộng dồn từ đầu năm tới nay, Hà Nội ghi nhận 608 ca mắc SXH, không có ca tử vong; tăng so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (359 mắc).
Theo nhận định, đánh giá tình hình dịch của CDC Hà Nội, trong tuần qua, số mắc SXH tăng so với tuần trước. Dự kiến, các ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Đáng lo ngại, CDC Hà Nội nhấn mạnh kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.
Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 10 bệnh nhân SXH, đa số sốt cao liên tục, đau mỏi người. Trong đó, một số người bị SXH nặng gây tràn dịch màng bụng, phổi; một số trường hợp bị chảy máu răng, mũi. Các bệnh nhân này đều phải nhập viện điều trị.
Còn tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, dù số lượng ca bệnh nhập viện không có sự gia tăng đột biến, vẫn ở mức gần 10 ca/ngày, tuy nhiên đã xuất hiện các ca bệnh nhập viện trong tình trạng nặng. Đặc biệt, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân gặp biến chứng tràn dịch màng bụng, màng phổi; một số người biểu hiện nặng, xuất huyết đa mang, tiểu cầu giảm, xuất huyết niêm mạc nhiều. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể xuất huyết não, chảy máu trong, ảnh hưởng đến tính mạng.
Số ca mắc tay chân miệng cũng tăng mạnh
Cùng với SXH, cũng theo số liệu từ CDC Hà Nội, trong tuần, địa bàn thành phố ghi nhận 32 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 9 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn 2022, Hà Nội có 1.183 ca mắc bệnh tay chân miệng - tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Một trường hợp cụ thể, bệnh nhi N., 25 tháng tuổi, được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Đống Đa khám trong tình trạng sốt cao liên tục, quấy khóc, có nhiều phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và loét niêm mạc miệng,… Tại đây, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ 2B nhóm 1 và được chỉ định điều trị bù dịch điện giải, hạ sốt, an thần,…Hiện tại, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa đang tiếp nhận điều trị cho khoảng gần 20 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng.
BS. Hà Huy Tình - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết: “Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nóng, quấy khóc, nổi ban, phỏng nước trên da, kém ăn, bỏ bú… Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Dù là bệnh lành tính nhưng một số trường hợp các biến chứng thường diễn biến nhanh có khả năng gây tử vong cao như viêm màng não, viêm não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp”.
Trước tình hình trên, CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị, quận, huyện tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, với hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch, các đơn vị theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng.