Ngăn chặn bạo lực gia đình: Cùng lên tiếng
Cứ vài ngày trên mạng xã hội lại xuất hiện những clip, hình ảnh trẻ em, phụ nữ, thậm chí người già bị bạo hành. Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, đã đến lúc cần giáo dục để mỗi người dân hiểu rõ bạo lực không phải là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống.
Bạo hành vẫn còn phổ biến
PV: Thưa bà, cứ vài ngày thì trên mạng xã hội lại xuất hiện những clip, hình ảnh trẻ em, phụ nữ bị bạo hành. Gần đây nhất là vụ bé gái 11 tuổi tại Hà Tĩnh bị bố trói, treo ngược lên trần nhà đánh đập. Bạo hành trẻ em và phụ nữ thậm chí người già vẫn xảy ra thường xuyên. Cá nhân bà có suy nghĩ gì trước những sự việc trên?
Bà KHUẤT THU HỒNG: Điều đó phản ánh tình trạng bạo hành gia đình vẫn còn rất phổ biến. Nạn bạo hành vẫn xảy ra hàng ngày. Bây giờ có công nghệ nên người ta quay clip ghi lại, đưa lên mạng xã hội. Người ta vẫn nghĩ đánh trẻ con là chuyện…bình thường, con tôi thì tôi đánh. Hoặc tôi là bảo mẫu, trẻ không nghe thì tôi đánh. Thực tế trong tư tưởng của nhiều người, vẫn coi chuyện đánh trẻ em là chuyện bình thường, là bố mẹ thì có quyền đánh. Cho nên tình trạng bạo hành trẻ em vẫn rất phổ biến. Việc có những clip được quay lại, đưa lên mạng xã hội để xã hội thấy được rằng những thứ như vậy vẫn tồn tại, và mọi người cần có hành động can thiệp.
Còn các câu chuyện phụ nữ bị bạo hành thì đã… quá nhiều, và thường xuyên. Trước đây tất cả mọi người đều nghĩ chuyện vợ chồng đánh nhau, cãi nhau là chuyện riêng, mình không can thiệp. Bây giờ, mọi người dần nhận thức dù bạo hành của một gia đình nhưng cũng là vấn đề của cộng đồng, của xã hội. Bạo hành trong nhiều gia đình thì cộng đồng và xã hội không bình yên.
Ở Việt Nam, theo bà tình trạng bạo hành trẻ em đã đáng báo động?
- Tôi cho rằng rất đáng báo động. Bạo hành đối với trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Nó cho thấy việc người lớn thiếu kỹ năng giáo dục và chăm sóc trẻ con, không vừa lòng thì đánh đập. Nhưng bên cạnh việc trẻ em bị bạo hành nhiều như thế cũng phản ánh lên thực tế tâm trạng, tâm lý của người lớn rất không ổn. Bởi khi người ta đánh người khác, đánh trẻ em thường tâm của người ta cũng căng thẳng, “có vấn đề”. Nhất là sau đợt dịch Covid-19 tình trạng này khá phổ biến. Có thể dịch làm cho nhiều gia đình rơi vào tình trạng khó khăn. Công ăn việc làm, thu nhập, rồi việc này, việc kia tạo ra áp lực tâm lý và phải “trút” vào đâu đó. Trút vào trẻ con là dễ nhất vì trẻ em không phản kháng được.
Bà đánh giá như thế nào về nguyên nhân của các vụ bạo hành?
- Bạo hành trẻ em có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do người lớn thiếu kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ em. Thấy trẻ có gì sai là dùng giải pháp đánh đập. Thứ hai, bản thân người lớn cũng có vấn đề, trong tâm lý bản thân họ cũng đang bị áp lực, căng thẳng và người ta không giải quyết được thì quay sang trút vào trẻ em.
Thứ ba, trong xã hội Việt Nam, mọi người quan niệm đánh trẻ em là chuyện bình thường. Bố mẹ đánh con để dạy dỗ. Người ta cũng không nghĩ hành vi đó vi phạm pháp luật. Còn người xung quanh thì ít khi can thiệp. Con cái người ta thì người ta dạy dỗ, việc gì đến mình. Chính điều đó càng làm cho tình trạng trở nên phổ biến.
Chế tài chưa nghiêm
Theo bà, các vụ bạo hành vẫn diễn ra là do hệ thống pháp luật yếu, thiếu chế tài để răn đe, hay khâu tổ chức triển khai thực hiện còn kém, và người dân chưa hiểu luật?
Tôi cho rằng có cả 2 yếu tố đó. Luật pháp rất lỏng lẻo, chế tài không rõ ràng, chưa đủ nghiêm. Ví dụ trong Luật phòng chống bạo lực gia đình nếu chồng đánh vợ thì Chủ tịch UBND phường, xã có quyền đưa ra lệnh không được tiếp xúc. Nhưng nhà người ta ở đó, không tiếp xúc thì đi ở đâu. Đáng lý ra phải giữ ngay người bạo hành ở đồn Công an, hay trụ sở UBND. Chứ ngăn cách, cấm tiếp xúc thì phải có chỗ ở cho họ. Thường thì trong trường hợp bị bạo hành, nạn nhân lại là người phải đi ra khỏi ngôi nhà của chính mình chứ không phải thủ phạm. Nghĩa là nạn nhân phải đi trốn. Hay quy định chồng đánh vợ thì phạt hành chính chồng. Cuối cùng vợ phải lấy tiền ra để nộp phạt cho chồng.
Chưa kể trong luật thì biện pháp hòa giải không giải quyết được vấn đề tận gốc. Hòa giải thường “chín bỏ làm mười”, chồng giận thì vợ làm lành; vợ nhịn cho chồng khỏi đánh. Điều đó luôn yêu cầu người phụ nữ phải nhịn nhục, chịu đựng.
Bên cạnh đó, còn bản thân người thực thi pháp luật họ cho rằng chuyện gia đình thì “nhà người ta người ta đóng cửa bảo nhau”, mình can thiệp không giải quyết được chuyện gì. Nhận thức như thế thì rất khó giải quyết. Chính ra luật phải quy định bạo lực xảy ra các cơ quan chức năng đó không giải quyết được thì xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng đó. Đằng này, chẳng giải quyết cũng không bị làm sao thì “hòa cả làng”.
Nếu hành vi bạo lực đó thì hệ thống pháp luật tại các nước họ xử lý thế nào, thưa bà?
- Như tại các nước, đánh người là bắt giữ ngay. Họ không hòa giải, trước mắt tạm giữ đã để không gây nguy hại tiếp cho nạn nhân. Rồi đưa ra Toà án để xử lý. Đánh người thì không có hòa giải, kể cả là vợ chồng, bố mẹ đánh con cái. Rồi những người khi nghe, nhìn thấy người lớn đánh trẻ con là phải báo ngay cho cảnh sát. Chứ không phải như ở ta, hàng xóm thấy đánh trẻ con thì cho rằng đó là “chuyện bố mẹ dạy con”. Ở các nước đánh trẻ con là rất nhạy cảm. Nhìn thấy người lớn đánh trẻ con, có hành động bạo lực là họ báo cảnh sát ngay lập tức. Chuyện đánh trẻ con ở nước ngoài là chuyện rất nghiêm trọng.
Hay chuyện bạo hành trong gia đình, trong đó có việc chồng bạo hành vợ; vợ bạo hành chồng là hành vi vi phạm pháp luật. Người đánh người là báo cho cảnh sát biết. Giải pháp đầu tiên của cảnh sát là tạm giữ người đánh. Chứ ở ta thấy đánh nhau là tránh xa, đứng xung quanh cổ vũ, hoặc quay clip phát lên mạng.
Một nghịch lý đang tồn tại là đáng lẽ ra người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già phải được bảo vệ nhưng càng yếu thế thì lại bị bạo hành?
- Khi thấy người khác bị bạo hành, nhiều người nghĩ rằng đó không phải là chuyện của mình. Lỡ mình dính vào không phải đầu thì cũng phải tai, phiền hà cho nên không ai “dính” vào. Nếu xảy ra trong gia đình thì mọi người nghĩ rằng đó là chuyện riêng của nhà người ta, mình can thiệp là vô duyên. Con người ta, vợ người ta thì người ta đánh, người ta dạy dỗ, và “chắc phải có lý do gì, thì mới đánh”. Mọi người nghĩ đứa trẻ con hư thì bố mẹ đánh. Hay bà vợ phải làm sao thì chồng mới đánh.
Tuy nhiên, trước câu chuyện bạo hành thì mọi người phải nhận thức trước hết bạo hành là sai, còn nguyên nhân vì đâu lại là chuyện khác. Nguyên nhân vì đâu thì mọi điều đều phải được giải quyết bằng giải pháp hòa bình chứ không phải bạo lực. Bạo lực không phải là giải pháp giải quyết tất cả chuyện mâu thuẫn hay khúc mắc, làm sai.
Bạo lực không phải là giải pháp để giáo dục. Mọi người phải quan niệm như thế thì khi nhìn thấy hành động bạo lực của ai thì phải ngăn chặn. Nếu không can thiệp được trực tiếp thì phải báo cho lực lượng chức năng để những hành vi bạo lực đó phải bị ngăn chặn. Mâu thuẫn phải được giải quyết bằng các giải pháp khác chứ không phải bằng bạo lực.
Giáo dục, dạy dỗ trẻ em không phải bằng bạo lực. Bạo lực là điều không thể chấp nhận trong xã hội, trong cộng đồng. Bất kỳ ai chứng kiến hành vi đó phải lên tiếng. Ngăn chặn bằng các cách khác nhau chứ không phải thờ ơ, bỏ mặc, hay thậm chí cổ vũ. Tất cả mọi người trong xã hội phải nhận thức bạo lực là điều không thể chấp nhận được dù là nguyên nhân gì. Mọi điều không thể giải quyết bằng bạo lực.
Thay đổi nhận thức trong xã hội
Trong các vụ việc thì đa phần đều quay lại clip vụ bạo hành rồi đưa lên mạng xã hội thay vì phải phản ánh với cơ quan chức năng. Phải chăng họ vào tin sức mạnh của mạng xã hội để giải quyết vụ việc?
- Việc họ không đi báo cơ quan chức năng có thể phản ánh lên rằng họ không tin vào cơ quan chức năng sẽ xử lý hiệu quả. Cho nên họ đưa lên mạng xã hội để tạo ra áp lực. Khi có áp lực, lúc đó cơ quan chức năng buộc phải xử lý. Chứ đi báo nhiều khi chính quyền cho rằng đang nhiều việc quá, chưa giải quyết, và đó không phải là việc quan trọng cần ưu tiên khi cho rằng chồng đánh vợ, bố mẹ đánh con cái là “dạy dỗ” của gia đình người ta. Vì sợ như vậy nên nhiều khi người chứng kiến không đi báo với cơ quan thực thi pháp luật, mà quay clip để đưa lên mạng xã hội.
Thế nhưng thực tế chúng ta đều có đường dây nóng bảo vệ trẻ em và phụ nữ?
- Đúng là có đường dây nóng, nhưng đường dây nóng thường tiếp nhận xong rồi phân loại. Phân loại xong thì tìm đến xác minh. Sau đó mới báo cho các cơ quan chức năng. Như thế quá trình đó tương đối là lâu, chúng ta không có sẵn đội ngũ trực đường dây nóng có thể giải quyết vụ việc ngay. Chúng ta có tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Cái đó là tốt nhưng tổng đài khi nhận được thông tin sẽ báo cho chính quyền phường nơi xảy ra vụ việc đó để cơ quan chức năng ở khu vực đó xác minh. Sau đó mới tìm cách giải quyết. Như thế quá trình giải quyết sẽ chậm hơn. Có đường dây nóng là tốt nhưng chưa đủ, mà cần lực lượng phản ứng ngay.
Và có lẽ chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận trong giải quyết vấn đề để mọi người cùng lên tiếng?
- Chúng ta nên kết hợp nhiều cách. Như gọi tổng đài 111 hoặc chạy ngay đến đồn Công an để báo cáo sự việc. Nhưng tôi cho rằng, có lẽ quan trọng nhất là mỗi người xung quanh “cùng lên tiếng”, vào cuộc thì đối tượng sẽ sợ. Vì công an cũng phải cần thời gian mới chạy tới hiện trường. Những người hàng xóm, người xung quanh thấy hành vi bạo hành có thể yêu cầu người đó dừng tay. Có nhiều người phản ứng cùng một lúc thì đối tượng cũng phải sợ chứ. Khi mọi người cùng can thiệp, có thể giúp nạn nhân không bị tổn thương thêm, tránh tình trạng bị tử vong.
Trong vấn đề này, xã hội phải lên tiếng, trong đó có vai trò của truyền thông, báo chí. Khi truyền thông đưa tin tuyên truyền góp phần để thay đổi nhận thức, cho mọi người thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, đây là vấn đề xã hội chứ không phải của riêng từng gia đình. Khi là vấn đề xã hội nghiêm trọng thì cần phải giải quyết chứ không phải vấn đề của mỗi gia đình, cá nhân. Cho nên chúng ta phải cùng nhau thay đổi nhận thức đó. Khi báo chí phản ánh, dư luận xã hội bức xúc thì cũng là bài học để cảnh tỉnh đối với người khác.
Kinh tế mất đi có thể lấy lại trong 10 năm, nhưng băng hoại đạo đức xã hội có khi mất 100 năm mới khôi phục được. Bà nghĩ sao về khuyến cáo này?
- Theo tôi, kinh tế có thể khôi phục lại được, nhưng đạo đức xã hội bị xói mòn thì hàng trăm năm chúng ta mới có thể khôi phục được. Trong mấy chục năm gần đây, dù kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội có dấu hiệu đi xuống.
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội thì vấn đề xã hội trong đó có đạo đức luôn là vấn đề có độ trễ hơn so với kinh tế?
- Chính xác như vậy. Vì thế theo tôi song song với những giải pháp phát triển kinh tế xã hội thì cần những giải pháp để quản lý xã hội. Phải đồng hành, có sự đầu tư bằng nguồn lực và cả con người. Ví dụ giáo dục phải làm cho họ nhận ra, thấm, và thay đổi. Nếu giáo dục hời hợt quá nó không hiệu quả. Đó là cái chúng ta cần suy nghĩ. Có biện pháp xã hội nhưng nếu không đầu tư thỏa đáng nó cũng chỉ là hời hợt. Cho nên phải giáo dục cho trẻ em ngay từ bé, rồi giáo dục bằng truyền thông, báo chí để mỗi người nhận thức được chứ không phải nói đến đạo lý nhưng nói suông. Như thế không thay đổi được bao nhiêu cả.
Còn về mặt pháp luật thì bản thân pháp luật của ta có nhiều lỗ hổng, không đầy đủ, chi tiết nên không trở thành công cụ pháp lý cho những người thực thi pháp luật để áp dụng. Luật càng chi tiết, càng mạnh thì người thực thi pháp luật có công cụ giải quyết rõ ràng hơn. Luật của ta khá chung chung. Cho nên đến khi phải sử dụng luật pháp thì người thực thi pháp luật cũng gặp khó khăn. Những điều luật mơ hồ thì người thực thi pháp luật cũng khó áp dụng, khi thấy khó giải quyết quá thì họ ngại và lờ đi. Lờ đi có nghĩa người thực thi pháp luật không coi đó là chuyện ưu tiên, quan trọng.
Thay đổi nhận thức là một quá trình
Từ tình hình thực tế hiện nay, theo bà giải pháp trước tiên nào cần tập trung ưu tiên để tháo gỡ là gì?
- Chúng ta đang sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Theo tôi luật đó phải chi tiết, chặt chẽ và phải mạnh để thực sự trở thành công cụ pháp lý giúp cho lực lượng thực thi pháp luật có thể dễ dàng áp dụng. Rồi rà soát lại hệ thống luật pháp về vấn đề phòng chống bạo hành đối với trẻ em, phụ nữ để bổ sung, điều chỉnh để luật thực sự là có hiệu quả và có hiệu lực. Và người dân thấy rằng luật nghiêm nên nếu vi phạm sẽ bị xử lý.
Thứ hai, giáo dục luật pháp cũng phải “đến nơi đến chốn”. Chứ bây giờ ít người dân nắm luật pháp. Giáo dục nhận thức mọi người trong xã hội phải làm sao cho người dân “ngấm” chứ không phải cứ nói kiểu hời hợt, khơi khơi. Như vậy chẳng giải quyết được gì cả.
Thứ ba, phải giáo dục cho người dân để họ thay đổi nhận thức. Ví như giáo dục qua phim ảnh, sách báo để cho người dân nhận ra và thay đổi. Chứ không thì nay báo chí đưa vụ bạo hành này lên; mai lại đưa tin vụ khác. Cứ như thế thì không giải quyết được vấn đề. Phải giáo dục ngay từ khi mầm non, nằm trong bài vở, sách giáo khoa. Giáo dục phải thường xuyên, kiên trì để tạo thành suy nghĩ bạo lực là điều không thể chấp nhận được. Bạo lực không phải là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống. Dạy trẻ con phải biến thành những bài học, câu chuyện để trẻ con tạo thành nếp nghĩ, nếp hành động chứ không chỉ dặn trẻ con đừng đánh nhau nhé thì nó không hiệu quả. Nghĩa là chúng ta phải có đầu tư nghiêm túc.
Ví dụ như ở Brazil, khi họ muốn thay đổi nhận thức của người dân về bạo lực gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai để sinh ít con thì họ xây dựng bộ phim truyền hình dài tập, hàng trăm tập và trong mỗi tập phim có đưa ra các câu chuyện của đời thường, cuộc sống bình thường được lồng ghép vào các tập phim để người dân xem hàng ngày và dần dần thay đổi ý thức theo bộ phim đó. Đó là cách giáo dục tâm lý, là giải pháp giúp cho con người thay đổi.
Họ thay đổi mà bản thân họ cũng không nhận ra là mình đã thay đổi. Tức là không cần cảnh sát đến “dạy” không được đánh vợ, mà xem phim xong dần dần họ nhận thấy hành vi đó là sai trái, và tự họ nhận ra hành vi đó qua những câu chuyện, bộ phim mà họ theo dõi hàng ngày, hàng năm. Từ đó họ thay đổi hành vi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Có thể lúc đầu họ hay đánh vợ, gây gổ nhưng ngày nào cũng xem phim thì sẽ dần nhận thấy nhân vật ở trong phim hay đánh vợ là điều không thể chấp nhận được. Họ không tán thành hành vi của nhân vật đó. Họ nghĩ nhân vật đó không chấp nhận được thì bản thân họ cũng thay đổi dần dần. Đó là cách để giáo dục đại chúng rộng rãi nhất chứ không phải loa phường hô hào “không được đánh vợ”.
Giáo dục con người để thay đổi nhận thức phải tinh tế, từ từ. Có đầu tư bài bản, chú trọng vào nguồn lực và con người để xây dựng công cụ, phương pháp giáo dục đến nơi đến chốn chứ không chỉ hô khẩu hiệu, khuyên giải vài câu là xong. Thay đổi nhận thức là một quá trình. Nhưng khi người dân tự thay đổi, tự nhận ra thì điều đó mới là bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!
Bạo hành trẻ em cần được chủ động ngăn chặn
Truyền thông và báo chí phải lên tiếng mạnh mẽ để thức tỉnh mọi người suy ngẫm, phân tích các góc độ khác nhau từ tâm lý, pháp luật, giáo dục, xã hội, văn hóa làm cho mọi người dần dần thay đổi nhận thức. Mọi người không can thiệp thì nó sẽ tồn tại mãi. Một cộng đồng mà có nhiều vợ chồng đánh nhau, bố (mẹ) đánh con thì nó phản ánh cộng đồng đó thiếu văn minh, nhiều bạo lực, và không thể chấp nhận được.