Phía sau thành công của chồng con, là sự thương yêu của người mẹ

Việt Quỳnh (thực hiện) 13/08/2022 11:11

Mẹ của nhà báo Trương Anh Ngọc là người phụ nữ hết mực yêu thương chồng con. Những việc liên quan đến họ hàng nội ngoại, bà đều quán xuyến chu tất và ảnh hưởng đến tất cả các thành viên gia đình. Bà là người có tính hi sinh, hậu phương vững chắc của chồng và các con.

Nhà báo Trương Anh Ngọc

Gần 50 tuổi, bình luận viên (BLV) Trương Anh Ngọc vẫn nhớ hình ảnh ra sân bay Nội Bài tiễn mẹ đi Cuba. Mẹ anh đi hai năm rưỡi, gửi về nhà bưu ảnh, tấm phim chụp ở Cuba. Bố thi thoảng lấy màn kéo ra chiếu phim để trẻ con hàng xóm cùng đến nhà xem với anh.

Mẹ của anh sinh ra ở Nam Hà, vùng chiêm chũng. Ông bà là thầy lang bốc thuốc chữa bệnh cho người dân, giúp tất cả mọi người trong làng. Vì thế, mối liên hệ của mẹ anh với gia đình mỗi khi về quê rất bền chặt. Lễ tết, giỗ chạp, bất cứ việc gì liên quan đến gia đình họ hàng, bà cũng đều có mặt, quán xuyến chi li kĩ càng, động viên an ủi người thân khi gặp chuyện buồn. Bà tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ, nói được nhiều thứ tiếng, đi nhiều nước trên thế giới.

Nhà báo Trương Anh Ngọc nói, anh đã đi 70-80 nước nhưng cũng không nhiều bằng mẹ của anh. Năng khiếu ngoại ngữ của anh Ngọc cũng thừa hưởng từ mẹ. Anh rất thích đọc, khát khao tìm hiểu thế giới, nên đi đâu mẹ của anh cũng mua sách gửi về cho anh.

Anh nói: “Tình yêu sách từ mẹ vun đắp, vợ chồng tôi lại truyền cho con của mình. Tôi nhận thấy việc đọc sách giúp bản thân an lành, nuôi dưỡng tinh thần tích cực cũng từ mẹ. Người bạn tốt nhất của tôi chính là sách từ mẹ gửi về, cả những cuốn từ điển dày hơn nghìn trang. Sự kết nối của tôi và mẹ theo cách tri thức như vậy.

Từ bố mẹ, tôi nuôi khát khao đi ra thế giới. Tôi là một người như ngày nay, cũng là bắt nguồn từ bố mẹ. Bố mẹ hướng ngoại, nhất là mẹ, tôi cũng là người như thế. Giờ con gái tôi cũng rất ham đọc, sách của con nhiều không kém bố mẹ. Sự truyền tri thức từ người đi trước sẽ ảnh hưởng đến người sau theo cách như vậy. Từ bố mẹ đến tôi và con gái tôi”.

Mẹ của nhà báo Trương Anh Ngọc, như lời anh kể, là một phụ nữ truyền thống, những việc liên quan đến họ hàng nội ngoại đều quán xuyến chu tất và ảnh hưởng đến tất cả các thành viên gia đình. Tính cách bố mẹ anh có lúc vênh nhau, nhưng mẹ luôn nhường nhịn hết lòng.

Từ khi anh Ngọc lập gia đình, không ở chung với bố mẹ, thì mẹ vẫn nhắn tin, gọi điện hỏi han về công việc gia đình và hỏi mẹ có thể hỗ trợ không. “Có lần sau một trận đấu muộn của giải vô địch bóng đá Ý, tôi vừa bình luận xong thì mẹ nhắn tin “Con bình luận hay lắm!”, tôi rất ngạc nhiên vì mẹ không biết về bóng đá nhưng cảm động vì mẹ vẫn luôn dõi theo âm thầm”, nhà báo Trương Anh Ngọc kể lại.

“Thời gian ban đầu khi tôi chọn con đường tự lập, mẹ định hướng và muốn giúp đỡ tôi có mối quan hệ tốt hơn, nhưng tôi không theo, dù mẹ không vui nhưng vẫn ủng hộ nhiệt tình. Khi tôi ra những cuốn sách đầu tiên, bố mẹ luôn đến dự và bỏ tiền mua cả trăm cuốn sách ủng hộ. Bố mẹ luôn ủng hộ theo hướng mà tôi đã lựa chọn”.

Phía sau thành công của chồng, và người con biết cách sống để hạnh phúc như anh, mẹ luôn là người ủng hộ vô bờ bến về mặt tinh thần. Nhà báo Trương Anh Ngọc cảm thấy thật hạnh phúc vì có cả bố mẹ luôn bên cạnh. “Hồi chưa lập gia đình, có lần tôi đi làm về, ngủ quên, vì lúc ấy cũng tương đối muộn rồi, nghe tiếng chân trên cầu thang, hé mắt thấy mẹ lên rón rén mắc màn. Khi ở riêng thì hỗ trợ tinh thần, và hỗ trợ toàn bộ những việc tôi đang làm, tôi thấy có việc hay nhất, là mẹ không chỉ đạo dậy dỗ mà chỉ là những tin nhắn quan tâm. Bố mẹ luôn ủng hộ vô điều kiện dù không phải lúc nào cũng hài lòng. Bố mẹ không can thiệp, để tôi tự trải qua để tự cảm nhận và rút ra bài học.

Hiện bố mẹ sống khá xa nhà tôi, mỗi tuần đến từ một đến hai lần thăm ông bà nhưng luôn thấy có sự gắn kết liên tục. Thời gian xa bố mẹ nhiều nhất về khoảng cách là dịch bệnh, nhưng vẫn gọi điện liên tục và lo lắng cho bố mẹ nhưng bố mẹ luôn động viên và để mình yên tâm.

Thời gian khi tôi mới lập gia đình, bố mẹ thích tôi ở chung để có gia đình lớn, đề huề bên nhau, khi tôi chọn ở riêng bố mẹ có buồn, sốc, tự hỏi bản thân có vấn đề gì mà con không chọn ở, nhưng bố mẹ cũng hiểu về việc chúng tôi phải xây dựng gia đình riêng của mình, các cháu cũng cần một không gian riêng. Giờ đây tất cả các thành viên đều hài lòng khi hiểu ra sự xa cách về mặt địa lý không như sự xa cách về tinh thần”.

Năm nay 73 tuổi, nhưng mẹ của anh vẫn hoạt động xã hội với quỹ tình thương của bà, hỗ trợ vốn cho phụ nữ ở các địa phương, dạy họ về tài chính và cung cấp các dự án nhỏ. Bà thỉnh thoảng vẫn đi các địa phương để hỗ trợ giúp đỡ và xem tình hình những người phụ nữ ấy tình hình ra sao.

“Một người phụ nữ hạnh phúc sẽ tạo ra một gia đình hạnh phúc”, nhà báo Trương Anh Ngọc tâm sự. “Khi tôi gặp mẹ, nhìn nụ cười hạnh phúc trên môi mẹ là thấy rất đủ rồi. Dù xã hội đã phát triển, nhưng vai trò cân bằng trong gia đình của người phụ nữ rất quan trọng. Chỉ có người phụ nữ mới đủ tinh tế kiên nhẫn đầy tình yêu thương để cân bằng các mối quan hệ, tạo ra cầu nối với mỗi thành viên trong gia đình”.

Việt Quỳnh (thực hiện)