Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp được củng cố
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay điểm đáng mừng trong bối cảnh hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực
Sáng 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc với các doanh nghiệp năm 2022 với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhờ việc kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc. Tuy nhiên khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn rất nhiều.
Phục hồi tích cực nhưng còn nhiều khó khăn
Theo Bộ trưởng, điểm đáng mừng trong bối cảnh hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong Quý III năm 2022; 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong Quý III năm 2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với Quý II năm 2022.
Mặc dù hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, vẫn còn một số hạn chế như số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, quy mô còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu còn ít.
Kinh tế số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công nghệ, chuyển đổi số, còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, dẫn đến nguy cơ tụt hậu, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự báo các tháng cuối năm 2022 dự kiến tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.
Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gãy nguồn cung
Từ thực tiễn nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Chúng ta cần phải hành động sớm nhất - hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Chúng ta cần phải chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, dám đối mặt để vượt qua những thách thức lớn nhất; chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới to lớn hơn”.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu kiến nghị thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ ngắn hạn để phát triển doanh nghiệp và cần phải được tiến hành khẩn trương như: hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất toàn diện các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới để bắt kịp và tiến cùng với thế giới.
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Thêm vào đó là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định; thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp, sử dụng hàng hóa của nhau, giữ vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến đề xuất tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động; hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách.
Đối với các doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cần thêm sự tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiến tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.
Ngoài ra Bộ trưởng cũng nêu thêm một số giải pháp mang tính dài hạn khác để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng nhấn mạnh: “Với những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức, nắm bắt cơ hội, đón đầu xu hướng, tạo đà bứt phá và thiết lập vị thế mới trên bản đồ thế giới”.