Làng nghề rộng cửa đón du khách
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Trong đó có rất nhiều làng nghề đã “ăn nên, làm ra” khi khai thác du lịch với hình thức “3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, gần giống với mô hình homestay.
Những năm qua mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn kết với du lịch đang trở thành hướng đi của nhiều địa phương. Ở đó, các làng nghề có một lợi thế lớn là thường nằm trên trục đường giao thông, cả đường sông lẫn đường bộ, không chỉ tạo điều kiện lưu thông hàng hóa mà tiện xây dựng tour, tuyến du lịch. Khi tham gia tour du lịch làng nghề, khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm. Đặc biệt, trong giai đoạn bình thường mới sự ra đời của các chương trình du lịch làng nghề cũng đã thoả mãn phần nào nhu cầu đi khám phá, trải nghiệm ngắn ngày của du khách trong và ngoài nước.
Nhìn nhận về sự phát triển du lịch làng nghề, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, lợi thế của các làng nghề truyền thống trong việc phát triển du lịch đó giá trị đặc sắc, tinh túy của các sản phẩm nghề thủ công nổi tiếng từ bao đời nay. Không gian cảnh quan của làng nghề đã thôi thúc người ta tìm hiểu ngọn ngành về những giá trị ẩn chứa trong không gian văn hóa toàn thể của làng mà một cá nhân, gia đình, dòng họ hay doanh nghiệp đơn thuần không thể tạo dựng được.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì du lịch làng nghề Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng. Việc nắm bắt xu hướng, thị hiếu của du khách vẫn chưa được nhiều làng nghề quan tâm.
Theo các đơn vị lữ hành, khách Tây Âu khi đến Việt Nam rất thích đồ sơn mài, còn khách Nhật hay tìm đến các sản phẩm tranh thêu, khách Mỹ lại thích đồ mỹ nghệ bằng gỗ, tre, rơm… Với đối tượng du khách này sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra mua những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Thế nhưng đối tượng du khách này khi sang Việt Nam với mục đích du lịch, thường là dài ngày, họ không thể mang đi vác lại những món đồ cồng kềnh, dễ vỡ trong suốt cuộc hành trình cho đến khi về nước và càng không thể mang với số lượng lớn về làm quà tặng bạn bè. Hiện nay, các làng nghề lại quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn.
Cũng còn một thực tế là cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ du lịch tại các làng nghề khá bất cập, kết nối với những khu vực xung quanh hạn chế.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, mặc dù phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn còn ít kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống, văn hóa cư dân bản địa và xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn. Một số tỉnh, thành phố đang triển khai mạnh loại hình du lịch này nhưng hiệu quả còn chưa cao. Những làng nghề đã thu hút nhiều du khách chỉ mang tính tự phát. Nguyên nhân chính là các ban, ngành liên quan thiếu sự phối hợp cần thiết trong xây dựng, quy hoạch du lịch làng nghề. Tuy nhiên, khó có thể trách được các làng nghề bởi vì họ vốn sống bó hẹp trong môi trường nông thôn địa phương, ít nhạy cảm với thị trường và không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài mà chỉ xuất hàng thông qua những doanh nghiệp. Cái gì bán được ra thị trường thì họ chỉ tập trung vào làm cái đó chứ không có khái niệm về sáng tạo mẫu mã.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, muốn khai thác phát triển du lịch làng nghề bền vững việc đầu tiên là mỗi người dân phải được giáo dục về văn hóa du lịch. Cùng với đó, các làng nghề cần lựa chọn và phục dựng những nét văn hóa đặc sắc của làng, từ đó tạo điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú nhà hàng, dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành... từ đó xây dựng tour tham quan làng nghề.
Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Lê Thị Thanh Hòa:
Cần có sự “gọt giũa”
Để phát triển du lịch làng nghề chúng ta cần đặc biệt lưu ý vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cũng như truyền thống của ngành nông nghiệp, làng nghề tại địa phương đó. Tuyệt đối không được phá huỷ môi trường xung quanh, phá vỡ nét văn hóa bản địa cũng như làm méo mó nét truyền thống sẵn có. Nên chăng chỉ là hoàn thiện cho nó được chuẩn hơn, đẹp hơn. Tiềm năng du lịch làng nghề tại các địa phương có rất nhiều, tuy nhiên một số địa phương chưa biết cách phát huy điểm mạnh của mình hoặc “gọt giũa” chưa chuẩn nên tạo ra những sản phẩm chưa được “tròn trịa” và còn “lưng chừng” chưa tới đích, do đó chưa thực sự có sức hút đối với du khách. Để cải thiện vấn đề này, theo tôi mỗi địa phương nếu muốn phát triển du lịch cần nhìn nhận và chọn lọc thế mạnh văn hóa, bản sắc về nông nghiệp, làng nghề đặc trưng, ấn tượng của địa phương mình. Sau đó cần hoàn thiện thật chỉn chu đồng thời cần duy trì, phát huy những điểm mạnh sẵn có kết hợp đổi mới nhưng không làm mất đi bản sắc, như thế mới tạo được sức hút đối với du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang:
Chuyên nghiệp hóa các sản phẩm du lịch làng nghề
Để phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề, Sở Du lịch đã phối hợp các cơ quan liên quan ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch làng nghề theo hướng đầu tư sản xuất, giới thiệu các sản phẩm tinh hoa quà tặng của làng nghề Hà Nội nhằm bảo tồn, tôn vinh những giá trị độc đáo của sản phẩm làng nghề truyền thống qua đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất quà tặng, hình thành các sản phẩm quà tặng từ làng nghề phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, để chuyên nghiệp hóa sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch, việc định vị sản phẩm bằng mẫu mã bao bì và độ tinh xảo của sản phẩm là yếu tố quan trọng. Điều này giúp các làng nghề xác định phân khúc thị trường sản phẩm và truyền tải giá trị văn hóa đi kèm. Tạo ra được những dòng sản phẩm cao cấp, mẫu mã sản phẩm đa dạng, tinh xảo, bao bì độc đáo, bắt mắt, thân thiện với môi trường và minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch, mang lại nguồn thu tương xứng cho các làng nghề.