“Ngóng” nhà giá rẻ
Ngày 10/8, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 242, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Được biết, các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng hơn 1,2 triệu căn hộ giá rẻ từ nay tới năm 2030. Đó là thông tin rất đáng phấn khởi, thắp lên hy vọng cho công nhân, người lao động khi mà nhà ở thương mại mọc lên ngày một nhiều, nhưng các dự án nhà ở xã hội vẫn vắng bóng.
Trở lại với Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp (ngày 1/8), nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân tồn tại, khó khăn khi phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Trong đó có vướng mắc về cơ chế; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình...
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Thủ tướng đánh giá cao vai trò tích cực của nhân dân trong phát triển các khu nhà trọ, bảo đảm nhà ở cho người lao động tại những nơi đông công nhân; nhưng quản lý nhà nước còn chưa quan tâm, còn khoảng trống về pháp lý ở một số lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, ngay tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030. Hoan nghênh các doanh nghiệp, tuy nhiên Thủ tướng cũng yêu cầu “cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin".
Nhà ở là mối lo hàng đầu và cũng là nỗi lo lâu dài, là mơ ước của công nhân, người lao động thu nhập thấp. Với thu nhập thực tế hiện nay, một gia đình hai vợ chồng công nhân cũng chỉ đủ nuôi một con nhỏ đi học. Vì thế, phần lớn công nhân từ các địa phương làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và cả trong các doanh nghiệp cũng đều phải thuê nhà trọ. Họ tích cóp từng chút để mong tới một lúc nào đó mua được một căn hộ. Nhưng, giấc mơ thật xa vời khi mà giá căn hộ dưới 25 triệu đồng 1m2 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác đã “mất hút”. Ở thời điểm này, không thể tìm được căn hộ chung cư dưới 1 tỷ đồng. Một khảo sát không chính thức cho rằng, để có được 1 căn hộ giá bình dân nhất thì một công nhân với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng, sau khi bỏ riêng ra 3 triệu đồng 1 tháng thì 30 năm mới có thể mua được nhà.
Công nhân, người lao động cũng có thể vay ngân hàng trả dần, nhưng thủ tục không đơn giản, mức tiền được vay cũng không nhiều. Trong khi tín dụng đen với lãi suất cắt cổ bủa vây tứ bề, vô cùng nguy hiểm.
Vì vậy, với chủ trương của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, cùng sự chia sẻ của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hy vọng có được một căn nhà của công nhân, người lao động được nhen nhóm. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, ở thời điểm hiện tại, nếu doanh nghiệp bán căn hộ với giá từ 12 triệu đồng đến 14 triệu đồng 1m2 thì người thu nhập thấp sẽ có cơ hội có nhà, diện tích từ 35 đến 50m2.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc phát triển nhà ở xã hội rất chậm, số công nhân, người lao động mua được căn hộ rất ít. Nhiều căn hộ nhà ở xã hội lại rơi vào những người “đi ô tô”. Vì thế, cùng với việc phát triển nhà ở xã hội giá rẻ thì rất quan trọng những căn hộ ấy phải đến đúng địa chỉ, chứ không phải là lại rơi vào những người giàu có, để họ “sang tay” hưởng chênh lệch. Nếu vẫn như thế, giấc mơ “an cư” của công nhân, người lao động lại vẫn sẽ lùi xa.
Nhưng dẫu sao thì việc đó tính sau, còn trước mắt cần có ngay cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sớm xây nhà ở xã hội giá rẻ.