Rằm tháng Bảy: Nếp xưa và nay
Rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan) là dịp thể hiện lòng hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Trải qua thời gian, phong tục ấy cũng có nhiều đổi thay, tuy nhiên vẫn được người dân trân trọng gìn giữ.
Ngày về quê báo hiếu
Với quan niệm, “cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng”, cứ đến đầu tháng Bảy âm lịch, người dân nhiều nơi lại náo nức chuẩn bị đồ cúng rằm để bày tỏ lòng thành kính đến bậc sinh thành. Dù ai ở đâu, từ Nam chí Bắc cùng hướng về nguồn cội, mọi người gác mọi bộn bề lo toan trong cuộc sống hằng ngày để về quê cúng rằm.
Đang tất bật chuẩn bị đồ cúng, ông Lê Doàn Hạng (sinh năm 1967, thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vui vẻ bày tỏ: Năm nay, họ chúng tôi làm to lắm, mổ cả con lợn, tổ chức giải bóng đá nam và bóng chuyền nữ nữa. Rằm tháng Bảy là dịp con cháu về đông vui nên các họ tổ chức bài bản để tăng cường tình đoàn kết, quây quần bên nhau.
Các con của ông Hạng làm ăn, sinh sống ở các tỉnh thành khác, dù xa hàng trăm km nhưng vẫn thu xếp về quê dịp này. “Con trai tôi mới về hôm qua, nó về vừa để ăn rằm, vừa tham gia giải bóng đá nam. Tục lệ của gia đình tôi từ xưa đến nay là đến lễ Vu Lan, con cái dù ở xa mấy cũng cố gắng về để tế lễ. Nếp nhà, nếp họ như vậy từ lâu lắm rồi nên thành thói quen, các cháu cũng háo hức lắm” - ông Hạng vừa nói vừa chỉ tay vào con trai cả của mình trong nhà.
Sống quá nửa đời người, ông Hạng chứng kiến sự đổi thay ngày càng tích cực về phong tục tập quán của quê hương trong ngày lễ Vu Lan. Theo ông Hạnh, trước đây, rằm tháng Bảy, nhà nào biết nhà nấy, có thể do kinh tế, văn hóa chưa phát triển và quan niệm ngày xưa khác nay.
“Bây giờ hầu như không còn cảnh này. Họ chúng tôi cắt cử ra dăm ba nhà làm mâm cỗ tế họ, cúng rằm cử cầu đương (gia đình đảm nhiệm mua sắm, tổ chức) sắm sửa, sau khi tế lễ xong tập trung con cháu trong họ tề tựu ăn uống, liên hoan. Làm như thế này tôi thấy tiện lợi, văn minh, vui vầy hơn nhiều so với trước đây” - ông Hạng nói.
Tại lễ tế họ, ngoài việc cúng tế tổ tiên, dòng họ với những nghi thức trang trọng, đặc trưng, người dân Hà Tĩnh còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, tôn vinh gia đình văn hóa, góp quỹ khuyến học, khuyến tài để kịp thời động viên con cháu có thành tích cao trong học tập.
“Vào rằm tháng Giêng, đóng tiền đinh (mỗi trai họ là một đinh), góp quỹ để hoạt động văn hóa, thể thao, tổ chức cúng rằm tháng Bảy. Theo quy định, tiền đinh ít nhưng đóng bằng nhau còn vận động quỹ thì ai ủng hộ như thế nào tùy hoàn cảnh và tùy tâm. Dù vậy nhưng tiền quỹ có khi lên đến hàng trăm triệu đồng” - ông Hạng kể.
Mặc dù cách xa hàng chục km nhưng tục lệ của dòng họ Đặng ở xã Trung Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng tương tự như họ Lê Doãn ở xã Thịnh Lộc, Lộc Hà. Anh Đặng Văn Hùng (thôn Minh Hương, xã Trung Lộc) chia sẻ: Năm nay, gia đình anh nhận nhiệm vụ tổ chức cúng rằm nên mấy hôm nay cả gia đình tất bật chuẩn bị từ ngày 12 âm lịch.
Với vai trò tổ chức lễ cúng rằm, mặc dù bận bịu nhưng vui vì anh em họ hàng quây quần bên nhau, không kể trai gái, già trẻ. Tôi nhận thấy, sau mỗi dịp cúng rằm như thế này, anh em họ hàng trở nên khăng khít, yêu thương nhau hơn” - anh Hùng bày tỏ.
Ở Hà Tĩnh, người dân sau khi tế họ, thắp hương thờ cúng tổ tiên tại gia, nhiều người đến đi lễ cầu an, cầu phúc, cầu may, làm lễ ở các đền, chùa. Một cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, cho biết, theo phong tục tập quán của người dân nơi đây, vào rằm tháng Bảy ở địa phương được các dòng họ tổ chức khá quy mô. Dù ai đi ngược, về xuôi, đều nhớ ngày này để về quê báo hiếu, bày tỏ lòng thành kính, hiếu nghĩa...
Những bông hồng đặc biệt
Vào ngày rằm tháng Bảy nhiều ngôi chùa, tự viện tại cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) rất đông người dân và phật tử đến dâng hương, cầu nguyện…
Trong ngày lễ Vu Lan, người dân thường đến chùa để cầu nguyện cho đấng sinh thành được bình an. Cũng trong ngày này, nhiều ngôi chùa ở Huế còn tổ chức nghi thức “bông hồng cài áo” cho các phật tử. Mỗi bông hồng khi cài lên ngực đều chất chứa nhiều tình cảm của người con đến các bậc sinh thành.
Hòa Thượng Thích Hải Ấn (trụ trì chùa Từ Đàm, TP Huế) cho biết, nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu do thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) đưa vào từ nhiều năm trước. Cụ thể, vào năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất bản tùy bút “Bông hồng cài áo”, nói về việc thiền sư được một sinh viên Nhật Bản cài bông hoa cẩm chướng màu trắng vào khuy áo trong ngày Mẹ. Thiền sư mất mẹ nên được cài hoa cẩm chướng màu trắng.
Thấy việc cài hoa trên ngực áo để tưởng nhớ mẹ mang ý nghĩa rất hay nên thiền sư đã áp dụng nghi thức bông hồng cài áo vào ngày lễ Vu Lan. Sau đó, nhiều chùa ở Việt Nam tổ chức nghi thức này cho phật tử trong ngày Vu Lan báo hiếu. Từ đó cho đến nay, nghi thức này đã trở thành truyền thống tốt đẹp của phật tử Việt Nam.
Những bông hồng được làm bằng vải với ba màu đặc trưng gồm hồng, trắng và vàng. Phật tử khi đến chùa để cầu nguyện, nếu còn mẹ sẽ được cài bông hồng màu hồng, nhắc nhớ chúng ta phải luôn biết trân quý sự hiện diện và đồng hành của cha mẹ trong hành trình của mỗi người.
Những phật tử cài hoa hồng màu trắng nghĩa là mẹ, cha đã mất. Nhìn hoa màu trắng, phật tử sẽ luôn tưởng nhớ đến cha mẹ mình về công ơn sinh thành dưỡng dục. Và luôn nhắc nhở mỗi người làm điều thiện, tránh điều ác. “Riêng hoa hồng màu vàng được phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ sau ba tháng an cư” - Hòa Thượng Thích Hải Ấn cho biết.
Chia sẻ về nghi thức bông hồng cài áo, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (35 tuổi, trú tại TP Huế) cho rằng, đây là một nét đẹp trong ngày Vu Lan báo hiếu. Cứ mỗi dịp rằm tháng Bảy gia đình chị đều đi lễ chùa để cầu nguyện mong cho cha mẹ mình được bình an, sức khoẻ vui vầy cùng con cháu.
Không may mắn như chị Hồng, chị Trần Thị Lan (trú tại TP Huế) tâm sự, chị mất mẹ từ khi còn nhỏ, sống với ba trong hoàn cảnh cảnh gà trống nuôi con nên chị thấu hiểu được nỗi vất vả của ba khi một mình gồng gánh nuôi con.
“Ngày rằm tháng Bảy năm nào tôi và gia đình đều đến chùa để dâng hương, tụng kinh, cầu nguyện. Chỉ có 2 năm trước do dịch bệnh Covid-19 nên tôi không đi chùa, chỉ làm mâm cơm chay để dâng lên ông bà tổ tiên và mẹ ở nhà tỏ lòng biết ơn đến công ơn sinh thành. Tôi mong, những ai còn mẹ, còn cha hãy nên trân quý, đó là chính điều hạnh phúc nhất của mỗi người. Mất tiền có thể kiếm lại được, chứ mất cha, mất mẹ biết tìm ở đâu” - chị Lan chia sẻ.
Ngoài đi chùa dâng hương cầu nguyện hay làm mâm cỗ chay dâng lên ông bà, tổ tiên trong ngày Vu Lan báo hiếu, nhiều gia đình có điều kiện ở Huế còn tổ chức các hoạt động xã hội, trao quà đến người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm san sẻ, lan toả yêu thương đến với mọi người...
Trong ngày lễ Vu Lan, người dân thường đến chùa để cầu nguyện cho đấng sinh thành được bình an. Cũng trong ngày này, nhiều ngôi chùa ở Huế còn tổ chức nghi thức “bông hồng cài áo” cho các phật tử. Mỗi bông hồng khi cài lên ngực đều chất chứa nhiều tình cảm của người con đến các bậc sinh thành.