Tổng kết năm học 2021 - 2022: Bộ GDĐT nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại, hạn chế
Sáng 12/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.
Đây là năm học quan trọng và cũng là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các em học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo các kết quả, chỉ tiêu đề ra, chất lượng và các yêu cầu của năm học 2021 - 2022 đã được thực hiện.
Báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đã nêu 9 kết quả nổi bật của ngành Giáo dục đã đạt được. Trong đó trọng tâm là triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương; duy trì chất lượng giáo dục các cấp học.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, Bộ GDĐT cũng nhìn nhận, việc triển khai thực hiện năm học 2021 - 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Thực tế triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19, các quy định, hướng dẫn của Bộ còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến.
Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 biên soạn cho chương tình mới còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương, một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa hay…
Lãnh đạo Bộ GDĐT đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có một số giải pháp để khắc phục trong năm học tới.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, các đại biểu đã có những ý kiến, thảo luận đánh giá về kết quả đã đạt được, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong năm học 2021 - 2022, từ đó đề xuất giải pháp để ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ trong năm học tới.