Biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm: Có mối liên quan thế nào?

Hà Anh 12/08/2022 08:00

Một nghiên cứu mới cho thấy, các hiểm họa khí hậu như lũ lụt, các đợt nắng nóng và hạn hán đã khiến hơn một nửa trong số hàng trăm bệnh truyền nhiễm đã biết ở người, trong đó có sốt rét, virus Hanta (sốt xuất huyết kèm theo suy thận), dịch tả và bệnh than trở nên tồi tệ hơn.

Thế giới cần chung tay hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu, tránh xảy ra những đại dịch như Covid-19 trong tương lai. Ảnh: Bloomberg.

1. Theo một nghiên cứu từ 2 trường Đại học Hawaii và Đại học Wisconsin-Madison (đều ở Mỹ) mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, các nhà nghiên cứu đã xem xét các tài liệu y tế về các trường hợp mắc bệnh và phát hiện ra rằng, 218 trong số 375 bệnh truyền nhiễm đã biết ở người (tương đương 58%) dường như trở nên tồi tệ hơn bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu đã chỉ ra 1.006 mối liên hệ giữa các hiểm họa khí hậu đến người bệnh. Trong một số trường hợp, những trận mưa như trút nước và lũ lụt làm con người mắc các bệnh truyền nhiễn qua muỗi, chuột và nai mang mầm bệnh. Sự ấm lên của nước biển và những đợt nắng nóng tác động đến những sinh vật biển và những món chúng ta ăn từ hải sản cũng gây ra mầm bệnh. Trong khi đó, hạn hán tác động đến việc xuất hiện những loài dơi mang virus lây nhiễm sang người.

Cha đẻ của y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại Hippocrates từ lâu đã kết nối bệnh tật với thời tiết, nhưng nghiên cứu này cho thấy rõ hơn mức độ ảnh hưởng của khí hậu đối với sức khỏe con người.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Jonathan Patz, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: "Nếu khí hậu đang thay đổi thì các rủi ro vì những căn bệnh truyền nhiễm đang là thách thức".

Tiến sĩ Carlos del Rio, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory, người không tham gia nghiên cứu cho biết: “Những phát hiện của nghiên cứu này thật đáng sợ và minh họa rõ ràng về những hậu quả to lớn của biến đổi khí hậu đối với các mầm bệnh ở người. Chúng ta cần phải đặt biến đổi khí hậu trở thành một trong những ưu tiên của mình để đẩy lùi bệnh truyền nhiễm và cùng nhau hành động để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra”.

Ngoài việc xem xét về các bệnh truyền nhiễm, các nhà nghiên cứu đã mở rộng công cụ tìm kiếm để xem xét tất cả các loại bệnh của con người, bao gồm cả những bệnh lây nhiễm như hen suyễn, dị ứng và thậm chí là vết cắn của động vật để xem xét mức độ liên quan trước biến đổi khí hậu theo những cách khác nhau. Kết quả là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng 286 ca bệnh và trong số đó có 223 ca bệnh đang trở nên tồi tệ hơn do các hiểm họa của thời tiết.

Theo kết quả nghiên cứu, tăng phát thải khí nhà kính là thủ phạm trực tiếp. Xem xét 10 dạng hiểm họa khí hậu nhạy cảm với khí nhà kính (lũ lụt, hạn hán, bão, nắng nóng…), các nhà khoa học đã xác định 1.006 con đường mà dịch bệnh từ virus, vi khuẩn, nấm, động - thực vật các loại… có thể bị kích hoạt.

Nghiên cứu mới không thực hiện các tính toán để xác định các thay đổi bệnh tật hoặc cường độ cụ thể với biến đổi khí hậu, nhưng phát hiện các hình thái thời tiết khắc nghiệt là một yếu tố có thể tác động trong nhiều trường hợp.

Ông Camilo Mora, một nhà phân tích dữ liệu khí hậu tại Đại học Hawaii, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, điều quan trọng cần lưu ý rằng, nghiên cứu này không dự đoán các trường hợp trong tương lai. Nó đưa ra kết luận dựa trên những gì đã tồn tại. “Đây không phải là những dự đoán, đây là những điều đã xảy ra" - ông Mora nói.

Ông Mora đưa ra một ví dụ trực tiếp. Khoảng 5 năm trước, ngôi nhà của ông ở vùng nông thôn Colombia bị ngập lụt. Nước tràn vào phòng khách, tạo ra nơi sinh sản lý tưởng cho muỗi và ông Mora đã bị nhiễm Chikungunya, một loại virus khó chịu lây lan qua muỗi đốt. Mặc dù sống sót nhưng ông Mora vẫn cảm thấy đau khớp nhiều năm sau đó.

2. Đôi khi biến đổi khí hậu cũng tác động đến việc lây lan dịch bệnh theo những cách kỳ lạ. Ông Mora dẫn một trường hợp năm 2016 ở Siberia, khi xác một con tuần lộc hàng chục năm tuổi, chết vì bệnh than, được phát hiện sau khi lớp băng tan do nhiệt độ ấm lên. Một đứa trẻ đã mắc bệnh than sau khi chạm vào nó và căn bệnh bắt đầu bùng phát.

Ban đầu, ông Mora muốn tìm kiếm các trường hợp y tế để xem Covid-19 đã giao thoa với các hiểm họa khí hậu như thế nào, nếu có. Ông đã phát hiện ra những điều kiện thời tiết khắc nghiệt vừa làm trầm trọng thêm nhưng cũng giảm khả năng mắc Covid-19. Trong một số trường hợp, khi nắng nóng khắc nghiệt xảy ra ở các khu vực dân cư nghèo, mọi người thường tụ tập lại để tắm mát và từ đó tiếp xúc với dịch bệnh. Nhưng trong những tình huống khác, những trận mưa như trút nước có khả năng làm giảm sự lây lan Covid-19 vì mọi người ở trong nhà, tránh xa những người khác.

Tuy nhiên vẫn có những ý kiến chưa thực sự bị thuyết phục trước kết quả của nghiên cứu trên. Bà Kristie Ebi - chuyên gia về khí hậu và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Washington cho biết, bà lo ngại về cách rút ra các kết luận và một số phương pháp trong nghiên cứu. Theo bà Ebi, một thực tế đã được chứng minh là việc đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên của con người đã dẫn đến việc các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Và nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các kiểu thời tiết thay đổi có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe. Vậy đâu là điểm bắt đầu?

“Mối tương quan không phải là nhân quả, nhưng các tác giả đã xem xét về mức độ thay đổi của các hiểm họa khí hậu trong khoảng thời gian diễn ra nghiên cứu và mức độ mà bất kỳ thay đổi nào được cho là do biến đổi khí hậu” - bà Ebi nói.

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Aaron Bernstein - Quyền Giám đốc của Trung tâm Khí hậu, Sức khỏe và Môi trường Toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết, nghiên cứu này là một cảnh báo tốt về khí hậu và sức khỏe cho hiện tại và tương lai, đặc biệt là khi sự nóng lên toàn cầu và mất môi trường sống đã đẩy động vật và bệnh tật của chúng đến gần con người hơn.

“Nghiên cứu được xem như một lời cảnh báo về những gì chúng tôi phát hiện và những mầm bệnh có thể xảy ra. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường ý thức ngăn chặn biến đổi khí hậu, tránh xảy ra những đại dịch như Covid-19 trong tương lai” - Tiến sĩ Aaron Bernstein nói.

Hà Anh