Nhiều địa phương thiếu giáo viên triển khai chương trình GDPT 2018

Nguyễn Hoài 12/08/2022 15:53

Xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”, các địa phương đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại để hoàn thành nhiệm vụ năm học mới.

Sáng 12/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước. Tại Hội nghị, Bộ GDĐT đã thẳng thắn nhìn nhận những ưu điểm và những tồn tại, hạn chế của năm học qua.

Bài toán thiếu trường lớp, thiếu giáo viên

Năm học 2021 - 2022, mặc dù ngành Giáo dục đạt nhiều kết quả nổi bật, song thực tế tại các địa phương còn tồn tại nhiều việc cần phải giải quyết trong năm học tới. Trong đó, vấn đề giải quyết áp lực tăng dân số cơ học nhanh dẫn tới sĩ số học sinh/lớp cao tại một số địa phương, khu đô thị, các thành phố lớn; tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 là bài toán được đặt ra.

Tính đến hết tháng 6/2022, toàn TP Hà Nội có 2.835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, hơn 138 nghìn giáo viên và gần 73 nghìn phòng học.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, năm học 2021 - 2022, trên địa bàn thành phố có 51 trường học được xây mới, thành lập mới với tổng đầu tư khoảng 2.885 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường với tổng kinh phí gần 5.008 tỷ đồng; bố trí 1.464 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Để triển khai năm học mới, ngành Giáo dục Thủ đô xác định nhiều giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là thực hiện công tác bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu, giải quyết công việc, công tác dạy và học.

Theo ông Cương, Nghị định số 120/2022/NĐ-CP của Chính phủ có quy định mỗi cơ sở giáo dục không quá 2 cấp phó. Tuy nhiên, quy định này đang gây khó khăn cho những cơ sở giáo dục có quy mô lớn, trường có nhiều cấp học, trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia.

Thực tế, trên địa bàn TP Hà Nội, số trường học có quy mô trên 45 lớp rất nhiều. Vì vậy, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho rằng, quy định này cần xem xét, cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình các cơ sở giáo dục. Ông Cương cũng kiến nghị Bộ GDĐT nghiên cứu, tạo điều kiện cho Thủ đô được áp dụng cơ chế đặc thù như cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay thế cho diện tích đất/học sinh.

Tại tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh cho biết, cấp học mầm non và tiểu học trên địa bàn vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định.

Thời gian gần đây, giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương nghỉ việc nhiều. Theo thống kế từ tháng 1 đến 4/2022, toàn ngành có 527 giáo viên nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là lương giáo viên chưa đảm bảo cho cuộc sống. Tình trạng thiếu giáo viên là một trở ngại rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chương trình.

Nhiều đơn vị có số học sinh trên lớp cao, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, nhiều trường phải thực hiện dạy 1 buổi/ngày.

Đến năm học 2022 - 2023, số giáo viên trên địa bàn tỉnh thiếu trên 3.000 giáo viên. Để giải quyết một phần, ngành giáo dục tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng theo phân cấp quản lý.

Nhiều việc ngổn ngang cần phải làm

Đánh giá cao kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trong năm học 2021 - 2022, nhưng GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, ngành Giáo dục vẫn còn ngổn ngang, nhiều việc cần phải làm trong năm học mới.

GS Minh cho rằng, thay vì hô khẩu hiệu bằng những thuật ngữ quen như “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “nâng cao”, Bộ GDĐT nên chọn 1 số việc làm chủ đạo cho một năm để giải quyết những tồn tại.

Đề cập tới bệnh thành tích, GS Minh nêu quan điểm, đây là vấn đề nâng cao dân trí, chứ không đơn thuần là kết quả học tập, là điểm số, là bằng cấp hay thi cử. Thời gian qua, dù Bộ có nhiều nỗ lực giảm bệnh thành tích nhưng vẫn chưa phải giải pháp căn cơ.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 do Bộ GDĐT tổ chức sáng nay, 12/8.

“Đã đến lúc cần đặt việc kiên cố hoá trường học, nhà công vụ, chế độ đối với thầy cô, cả học sinh các vùng khó như một tâm điểm cần đầu tư trọng điểm”, GS. TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế, tồn tại trong năm học trước, Bộ GDĐT cho biết, Bộ xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo” với 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Việc tổng kết năm học được thực hiện thường xuyên với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo. Điều đó cho thấy sự quan tâm với giáo dục. Năm học vừa qua vẫn là năm học khó khăn do đại dịch, chúng ta trân trọng kết quả của toàn ngành.

Qua báo cáo giáo dục, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các thứ hạng quốc tế; tiếp tục đổi mới chương trình và sách giáo khoa… Các tham luận đã nói rõ, thẳng thắn hơn về những điều bất cập nhưng đó là điều bình thường. Chúng ta phải nhìn vào đó để làm tốt hơn. Ví dụ, tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử. Không chỉ thi tốt nghiệp THPT mà kiểm tra, học thêm, dạy thêm, sách tham khảo. Đơn giản vì chúng ta chưa trung thực trong giáo dục… Tôi nghĩ trong quá trình đổi mới, các ý kiến phát biểu nhìn thẳng vào những bất cập là rất đáng mừng”.

Phó Thủ tướng đưa ra 10 yêu cầu đối với ngành giáo dục, trong đó: “Đột phá đầu tiên phải thực hiện là khâu quản lý. Từ đổi mới quản lý nhà nước, chúng ta đổi mới về quản trị. Tinh thần bảo đảm dân chủ trường học, không chỉ chính quyền mà cả cộng đồng tham gia. Khi nào tuyển giáo viên, ý kiến của tập thể giáo viên cao hơn của lãnh đạo quận mới là dân chủ. Có như thế mới giải quyết được tình trạng thừa thiếu giáo viên…”.

Nguyễn Hoài