Chuyển nghề sau phá sản vì 'vàng trắng', nữ nông dân thu 3 tỷ đồng mỗi năm
Sản xuất tinh dầu thơm từ cây sả, cây tràm, một nữ nông dân (ở Quảng Bình) đã thu về 3 tỷ mỗi năm.
Những năm gần đây, sản phẩm tinh dầu từ cây dược liệu ngày càng được thị trường tiêu thụ ưa chuộng, diện tích trồng cây dược liệu ngày càng tăng cao.
Việc trồng và chiết xuất tinh dầu từ cây dược liệu cho hiệu quả cao so với trồng cao su và mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, từ đó hộ gia đình chị Trần Thị Như Oanh (39 tuổi, ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã bắt đầu tìm hiểu mô hình mới này nhằm vươn lên thoát nghèo.
Hộ gia đình chị Trần Thị Như Oanh (ở thôn Đông Thành, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch) là hộ trồng cây dược liệu và sản xuất tinh dầu tiêu biểu với doanh thu hơn 3 tỷ đồng mỗi năm, trong đó, lợi nhuận 1,3 tỷ đồng. Nơi đây cũng giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, riêng lao động đứng xưởng từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Theo chân chị Oanh đi thăm khu trồng cây dược liệu của gia đình, chúng tôi được chị chia sẻ, trước đây, gia đình chị trồng cao su lấy mủ, nghĩ rằng thứ "vàng trắng" này sẽ giúp thay đổi cuộc sống nhưng nào ngờ, vào năm 2017, do ảnh hưởng từ mưa bão, vườn cao su của gia đình bị gãy đổ, thiệt hại rất lớn. Từ đó, chị đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sả.
“Ngày đầu bắt tay vào trồng sả, vốn và kinh nghiệm trồng loài cây này gần như bằng con số không nên mọi thứ đều rất khó khắn, vất vả. Đến năm 2020, việc trồng sả của cơ sở được mở rộng, nhiều nông dân trong xã học hỏi và phát triển theo hướng trồng sả.
Cũng trong năm đó, để liên kết bà con nông dân lại với nhau và giúp tiêu thụ sả cho người dân, tôi đã đứng ra thành lập HTX Sản xuất tinh dầu Như Oanh (HTX Như Oanh) và bỏ ra số tiền 1,2 tỷ đồng để mua lò hơi về chưng cất tinh dầu”, chị Oanh nói thêm.
Để tinh dầu được đảm bảo, không ảnh hưởng đến môi trường, trong quá trình sản xuất tinh dầu khép kín, chị Oanh đã không đưa rác thải ra môi trường bởi tinh dầu sả là sản phẩm tự nhiên có lợi cho sức khỏe, tiện dụng cho người sử dụng, có thể dùng để xông mặt, nhỏ tinh dầu vào máy xông, dùng tắm, đuổi muỗi, khử mùi.
Nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế, chị Oanh dự kiến thời gian tới sẽ đầu tư thêm hệ thống lò hơi, đun, nấu tự động; mở rộng quy mô nhà xưởng và xây dựng chuỗi sản xuất khép kín nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, mở rộng tìm kiếm và xây dựng được thêm nguyên liệu để ổn định chủ động cho sản xuất.
Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, HTX Như Oanh đã cho ra sản phẩm tinh dầu có chất lượng, đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Bình năm 2020, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang nước ngoài như Trung Quốc, Đức, Hungary…
"Tiếng lành đồn xa", mô hình của chị Oanh thường xuyên có nhiều người trong và ngoài địa phương đến tìm hiểu, học tập. Điều đáng quý là chị Oanh luôn sẵn sàng tiếp và trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn kỹ thuật chiết tinh dầu thơm cho mọi người. Cũng chính phẩm chất đó nên chị luôn được mọi người quý mến, tin tưởng.
Hiện, HTX Như Oanh đang trồng 35 ha sả (trong đó liên kết với người dân 16ha) và 5ha tràm để cung cấp nguyên liệu sản xuất tinh dầu sả và tinh dầu tràm.
Với những kết quả đó, chị Trần Thị Như Oanh là một trong năm nông dân của tỉnh Quảng Bình đạt thành tích "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", giai đoạn 2017 - 2022.
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, cho biết: "Như Oanh là một phụ nữ sản xuất, kinh doanh rất giỏi. Oanh đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trên địa bàn khi trồng loài cây thích ứng với biến đổi khí hậu. Những sản phẩm của HTX Như Oanh đã và đang khẳng định thương hiệu, ngành nông nghiệp của huyện sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện cho HTX vươn ra thị trường trong và ngoài nước".