Đừng mãi loay hoay chuyện thi cử

Thu Hương 13/08/2022 12:35

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Nhiều kiến nghị từ các địa phương đã được lắng nghe, ghi nhận và xem xét thấu đáo nhằm đạt tới yêu cầu chất lượng, hiệu quả, khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Chuyển đổi số rõ nét

Đánh giá kết quả đạt được trong năm học vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy, đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Chất lượng giáo dục ĐH có những cải thiện rõ rệt. Năm 2021, 5 cơ sở giáo dục ĐH lọt vào tốp ĐH tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục. Ở năm thứ hai, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đặc biệt đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại một số tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới.

Giáo viên nghỉ việc vì lương thấp

Tại hội nghị, nhiều địa phương đã nêu lên những kiến nghị, đề xuất từ thực trạng ngành giáo dục trên địa bàn. Theo lãnh đạo Sở GDĐT Bình Dương, năm học 2022-2023 tỉnh tăng thêm 11 trường, trong đó có 10 trường ngoài công lập với tổng số 527.102 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, tăng thêm gần 30.000 em so với năm học trước. Dự kiến năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu 3.102 giáo viên, nhiều nhất là giáo viên khối THCS với 1.305 người, cấp tiểu học cần 1.207 người, THPT cần 118 giáo viên, còn khối mầm non thiếu 465 giáo viên. Trong khi đó, từ đầu năm 2021 đến tháng 4/2022, có 527 giáo viên làm đơn xin nghỉ việc do mức lương hàng tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng, không đủ để trang trải cuộc sống.

Cũng kiến nghị về biên chế, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đề nghị, Chính phủ ban hành quy định về ký hợp đồng lao động trong khi chờ tuyển dụng với nhân viên làm công tác chuyên môn trong các trường học như kế toán, y tế, thư viện, thiết bị văn thư, tư vấn tâm lý... Ông Cương cho rằng, Nghị quyết 102 ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế đã cho phép ký hợp đồng đối với giáo viên nhưng chưa có quy định ký hợp đồng với nhân viên làm công tác chuyên môn.

Bên cạnh đó, quy định hiện nay là mỗi cơ sở giáo dục không quá 2 cấp phó. Điều này sẽ rất khó khăn với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội vì một số trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia và những khu vực có số dân cư lớn (tỷ lệ trường từ 45 lớp trở lên) rất nhiều. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét nên chăng với những trường có từ 45 lớp trở lên nên để 3 phó hiệu trưởng.

Tại hội nghị, đại diện Sở GDĐT Hà Tĩnh đã kiến nghị Bộ GDĐT về việc sửa đổi định mức giao viên tiểu học được quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cụ thể: Sửa quy định tối đa 1,5 giáo viên/một lớp thành tối thiểu 1,5 giáo viên/một lớp. Bởi, trên thực tế, hiện nay để tổ chức được hết các hoạt động dạy học theo Chương trình GDPT 2018 thì cần phải bố trí 1,56 giáo viên/một lớp…

Với đặc thù là địa phương có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, đại diện Sở GDĐT tỉnh Nghệ An mong muốn, Chính phủ có cơ chế thí điểm trường mầm non, trường THPT công lập tự chủ; trường PTDT bán trú THPT thuộc các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Khi đó, sẽ giảm được điểm trường lẻ, giảm giáo viên đứng lớp trong khi học sinh được chăm lo đầy đủ, nâng cao chất lượng dạy và học…

Cần trung thực trong giáo dục

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc tuyển dụng biên chế giáo viên đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên mà là liên quan tới nhiều bộ, ngành khác. “Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi cử phổ thông, học thêm dạy thêm, sách tham khảo... Bởi chúng ta chưa trung thực trong giáo dục. Trong quá trình đổi mới sang năm thứ 8 thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào vấn đề” - Phó Thủ tướng nêu.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ GDĐT phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường ĐH. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học.

Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022 - 2026. Hiện tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non đạt 91,7%; tiểu học đạt 74,8%; THCS đạt 86,1%; THPT đạt 99,9%.

Thu Hương