Lost Colony: Thuộc địa đã mất Roanoke và sự kiện hàng trăm người 'bốc hơi'
Được xem là vụ mất tích tập thể khó hiểu bậc nhất trong lịch sử nhân loại, số phận của những người dân di cư đặt chân đến "Tân thế giới" vẫn là bài toán hóc búa đối với sử gia và nhà khảo cổ.
Được xem là một trong "Tứ đại kỳ án" liên quan đến việc mất tích tập thể khó hiểu nhất trong lịch sử nhân loại, sự kiện đoàn di cư Roanoke Colony 115 người (còn gọi là Lost Colony) biến mất không để lại dấu vết nào vào khoảng năm 1590 trở thành bí ẩn khiến sử gia và các nhà khoa học day dứt hàng trăm năm.
Nếu đoàn người Roanoke Colony không biến mất thì tính đến ngày nay, trong lịch sử của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ là đoàn di cư người Anh đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ - Tân Thế Giới.
Thuộc địa Roanoke, một hòn đảo ở Bắc Carolina ngày nay, được thực dân Anh định cư vào năm 1584 như là nỗ lực đầu tiên nhằm định cư lâu dài ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, những người định cư nhanh chóng lâm vào cảnh khó khăn do thu hoạch kém, thiếu nguyên liệu, và quan hệ khó khăn với người bản địa.
Cách đây 433 năm, năm 1585, John White (1540-1593) là một trong những người Anh lên đường cùng Đô đốc Richard Grenville đi tìm vùng đất định cư mới cho người Anh tại Tân Thế Giới. Địa điểm mà họ dừng chân là hòn đảo Roanoke, ngoài khơi bờ biển bang Bắc Carolina (nước Mỹ) ngày nay.
Thời điểm đó, John White đóng vai trò là người vẽ bản đồ hải trình và phác họa khung cảnh cũng như nét sinh hoạt của dân bản địa tại vùng đất mới trước khi chính thức đưa người Anh di cư sang Tân Thế Giới sinh sống. Ông và đoàn thủy thủ dành trọn một năm tại đây trước khi trở về Anh.
Đến năm 1587, John White nhận sứ mệnh là thuyền trưởng của con thuyền Hopewell, đưa hơn 100 người Anh gồm già trẻ gái trai lên đường sang Tân Thế Giới. Cùng năm đó, con gái Virginina Dare của White sinh hạ, người được xem là đứa trẻ người Anh đầu tiên được sinh ra tại Tân Thế Giới.
Rời bỏ bạn bè và gia đình, trái với ý nguyện của mình, White đã đi thuyền trở về Anh quốc và không thể quay lại đảo Roanoke, vì Nữ Hoàng không cho phép đi lại bằng tàu thuyền thời bấy giờ.
Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày John White để lại đoàn di cư người Anh hơn 100 người trên hòn đảo Roanoke của Tân Thế Giới để quay về Anh thực hiện sứ mệnh đưa quân viện trợ và nhu yếu phẩm cho Roanoke. Cuối cùng vào ngày 18/8/1590, John White cùng đoàn thủy thủ của mình cũng lên đường sang đảo Roanoke.
Trái ngược với mong đợi của John White, trên hòn đảo không một bóng người. Thứ họ thấy chỉ là những dấu chân còn in trên đất, tuyệt nhiên không có đồng bào mà ông từng đưa sang. Sau khi tìm kiếm khắp nơi, John White nhìn thấy chữ 3 chữ cái "CRO" khắc trên một thân cây.
Khi White thấy những chữ này, ông đoán rằng những người định cư đã tìm kiếm sự giúp đỡ của người da đỏ Croatan trên đảo Hatteras gần đó. Người định cư đã tính trước trường hợp khi họ buộc phải di chuyển để tránh thảm họa hay bị tấn công, và họ sẽ để lại một Thập Tự Maltese. Nhưng White không tìm thấy ký hiệu nào tương tự như vậy.
Sau khi tìm hiểu những dấu vết còn sót lại trên hòn đảo hoang, ông cho rằng, "C R O" là chữ viết tắt của từ "CROATOAN" - tên ngầm chỉ tên của người bản địa sống tại hòn đảo Roanoke. Đồng thời, đây cũng là tên một hòn đảo chắn ở phía Nam.
John White khi đó cho rằng, đoàn người đã di cư về hòn đảo Croatoan, cách đảo Roanoke 80 km về phía Nam. Việc bị mắc kẹt do thời tiết khủng khiếp khiến toàn bộ người trên tàu rơi vào một hoàn cảnh hiểm nghèo, nhưng White đã không thể điều tra thêm được gì hơn.
Thay vì ở lại, ông đã quay về Anh, cầu viện Sir Walter Raleigh tài trợ cho một chuyến thám hiểm xuyên Đại Tây Dương tìm lại những đồng bào của mình. Tuy nhiên, cầu viện thất bại khiến cho John White không bao giờ có cơ hội trở lại Tân Thế Giới nữa. Cũng từ đó, số phận của 115 con người di cư, trong đó có con gái và cháu gái của John White, bị khoảng cách của đại dương và địa lý cho chìm dần vào quên lãng...
Một trong những giả thuyết về sự biến mất của người Anh định cư ở đảo Roanoke là họ đã hợp nhất với cộng đồng người Croatan trên đảo Hatteras. Ví dụ, các nhà sử học người Anh kể về một nhóm người Indian ở phía Bắc đảo Croatan có thể nói lưu loát tiếng Anh, thực hành tín ngưỡng Kitô giáo và tự gọi mình là người Croatan. Thêm nữa, có khoảng 20 đến 30 cái họ có nguồn gốc từ tiếng Anh trong số những người định cư Croatan trên đảo, cho thấy sự sáp nhập giữa hai nhóm người có thể đã xảy ra.