Thuế thu nhập cá nhân: Đã đến lúc điều chỉnh
Học phí đại học tăng cao, giá cả các mặt hàng cũng đua nhau leo thang nhưng mức thu nhập của người dân thì không tăng. Trong khi đó, gánh nặng thuế thu nhập cá nhân được xem là không còn phù hợp nhưng vẫn chưa được điều chỉnh khiến nhiều gia đình càng thêm khó khăn. Trước thực trạng này, giới chuyên gia đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân nhằm hỗ trợ người lao động, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo động lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh…
Giá cả “leo thang”, cuộc sống khó khăn
Chị Trần Thanh Vân (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho hay, sau khi giảm trừ gia cảnh, chị phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 10%, nghĩa là ở bậc 2. Bình thường thì không sao nhưng sau dịch bệnh, chồng chị làm hướng dẫn viên du lịch cũng phải nghỉ việc, nay công việc chưa nhiều, hai đưa con đang tuổi ăn học, bên cạnh đó với giá cả hàng hóa cũng như mọi chi phí đều tăng chóng mặt khiến gia đình chị Vân càng khó khăn. Để thắt chặt chi tiêu, từ đầu năm tới nay gia đình chị Vân cắt hết các khoản ăn sáng ngoài hàng và đưa con đi chơi cuối tuần.
TS Nguyễn Ngọc Tú - Chuyên gia cao cấp về thuế: Nên xây dựng luật theo hướng mở
Việc sửa đổi Luật thuế TNCN là điều cần thiết bởi có nhiều vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sách thuế TNCN đang nắm “người có tóc” mà không nắm được “kẻ trọc đầu”. Tức là, nhóm người lao động có thu nhập trung bình, chủ yếu làm công ăn lương thì bị kiểm soát và trừ thuế rất chặt chẽ; còn nhiều đối tượng khác như diễn viên, ca sĩ, người mẫu… thì hầu như thoát thu thuế. Số thuế thu được từ nhóm có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng không đáng kể so với số thuế bị thất thoát.
Tới đây nếu có sửa đổi thì nên xây dựng luật theo hướng mở, cho phép Chính phủ được quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI có biến động tăng 5-10%, thay vì phải đợi biến động đến 20% và trình Quốc hội xem xét. Quy trình này khiến quyết định được đưa vào cuộc sống có độ trễ lớn, gây thiệt thòi cho người đóng thuế. Biểu thuế lũy tiến từng phần có tới 7 bậc với mức thuế cao nhất lên tới 35%, cao gần gấp đôi với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này khiến gánh nặng thuế đối với người làm công ăn lương ngày càng tăng.
Đề nghị cần phải giảm bậc thuế còn 3-5 bậc, đồng thời thuế suất của các bậc cũng phải được hạ nhằm giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Cũng đóng thuế thu nhập cá nhân 10%, gia đình anh Nguyễn Đình Hùng (quận Long Biên, Hà Nội) mong muốn, mức giảm trừ gia cảnh cần được tăng thêm để đủ trang trải cho gia đình trong thời bão giá. “Khoản giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc sau nhiều năm đến nay đã không còn phù hợp. Chúng tôi xoay xở với mức chi tiêu hạn chế nhất gần 2 năm nay nên rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước”, anh Hùng nói.
Trong khi đó, anh Kiều Văn Thạch (quận 10, TPHCM) - nhân viên một công ty xuất nhập khẩu nông sản cho biết vợ anh chưa có việc làm từ sau dịch Covid-19. Cả nhà chỉ trông vào mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng của anh. “Tôi mới chuyển công ty nên chưa kê khai giảm trừ gia cảnh trong năm nay, do đó mỗi tháng tôi đều bị tạm khấu trừ thuế TNCN. Đến cuối năm, tôi có thể được hoàn lại khoản giảm trừ gia cảnh nhưng vậy là một phần thu nhập đã bị tạm giữ lại trong cả năm. Trong khi cả nhà chỉ trông vào lương của tôi nên chi tiêu của gia đình rất hạn hẹp”, anh Thạch lo lắng.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định cho giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc là không đủ để đảm bảo đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình. Nói cách khác, cách tính này đã không còn phù hợp với cuộc sống thực tại, khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến nhiều người dân rơi vào cảnh mất việc làm. Giờ nền kinh tế đã dần phục hồi trở lại, nhưng người dân lại phải đối mặt với bão giá khiến cuộc sống càng thêm khó. Không ít người bày tỏ lo ngại khi thu nhập không tăng nhưng các loại thuế phí lại bủa vây người dân, trong số này có thuế TNCN. Do đó, cần có sự điều chỉnh lại để chia sẻ với gánh nặng với người dân.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ trong riêng năm 2021 cả nước có hơn 12 triệu người lao động bị ảnh hưởng như giảm lương, nghỉ làm không lương, mất việc làm. Thế nhưng, chính sách hỗ trợ cho lao động có nguồn thu nhập bị suy giảm gần như không thay đổi. Khi thu nhập sụt giảm do dịch Covid-19, chi phí sinh hoạt vẫn đắt đỏ, đặc biệt những ngày gần đây giá cả leo thang khiến cho người dân càng phải suy nghĩ về sự lạc hậu của Luật Thuế TNCN này.
Được biết, trong 10 năm tính từ khi áp dụng luật Thuế TNCN sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần nhưng mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Ngưỡng thuế này lạc hậu ngay từ khi điều chỉnh và áp dụng vì không đủ đảm bảo đời sống của người lao động, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn với mức sinh hoạt đắt đỏ như: Hà Nội, TPHCM…
Bất cập ở đâu?
Nhiều ý kiến cho rằng, bất cập hiện nay của Luật Thuế TNCN cần sớm sửa đổi điều chỉnh, là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà và quy định về mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp thực tế. Theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng. Cụ thể: (1) Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất: 5%; (2) mức 5-10 triệu đồng: 10%; (3) mức 10-18 triệu đồng: 15%; (4) mức 18-32 triệu đồng: 20%; (5) mức 32-52 triệu đồng: 25%; (6) mức 52-80 triệu đồng: 30% và (7) từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.
Quy định biểu thuế TNCN lũy tiến với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao, khiến gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn. Vì vậy Luật Thuế TNCN sửa đổi nên giảm bậc chịu thuế xuống còn 3-5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống. Còn với mức thuế suất ở bậc cao quy định như hiện nay, chỉ có tính “cào bằng”, chưa thể hiện được tính công bằng.
Cụ thể, với mức áp dụng 35% thuế suất đối với thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên chỉ nhắm được vào nhóm đối tượng làm công ăn lương, không thể bao quát được hết nhóm đối tượng có thu nhập cao khác trong xã hội như buôn bán, chứng khoán, bất động sản… với những khoản thu không thể kiểm soát.
Theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, với 7 mức thuế như hiện nay cũng là quá nhiều, vì vậy nên giảm số bậc tính thuế để tạo động lực cho người lao động. Hiện nay, có nhiều đơn vị áp dụng mức lương khoán theo năng suất. Nhưng khi người lao động cố gắng phấn đấu để có mức thu nhập cao hơn nhưng họ lại nghĩ đến việc nộp thuế. Do đó, người lao động không làm hết khả năng, ảnh hưởng đến năng suất chung.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm, việc lấy CPI làm thước đo điều chỉnh mức tính thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh là không phù hợp. Hiện thống kê CPI chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày người dân phải chi trả. Chưa kể, theo quy định khi nào CPI tăng 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh, nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời, gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Sửa đổi bằng cách nào?
Vừa qua, khi Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh, sửa đổi Luật Thuế TNCN, có ý kiến cho rằng đúng ra việc này phải được thực hiện từ cách đây 2 năm (2020), khi CPI thời điểm ấy so với thời điểm luật có hiệu lực đã tăng lên đến 22%, vượt quá quy định của luật là khi CPI tăng đạt ngưỡng 20% phải điều chỉnh.
Có nhiều vấn đề cần phải sửa đổi bởi các quy định về thuế TNCN đang quá lỗi thời, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính kiến nghị bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 - 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%. Khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 15 - 20 triệu đồng, mức 10% cho phần thu nhập chịu thuế từ 20 - 40 triệu đồng... “Mức thấp nhất phải đóng thuế hay còn gọi là mức giảm trừ gia cảnh nên được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế. Theo tôi Bộ Tài chính cần tính toán nâng lên để việc đóng thuế thu nhập thực sự trở thành công cụ kiểm soát người có thu nhập cao. Mức thu nhập tối thiểu phải đóng thuế nên để ở 15-20 triệu đồng/tháng”, PGS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
“Phải xây dựng mức sống tối thiểu khác đi, không thể để mức như hiện nay, áp dụng hàng chục năm, trong khi đời sống nâng cao, lạm phát, giá cả tăng”, ông Thịnh phân tích.
Cùng quan điểm, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam cũng cho rằng, nên miễn, giảm cho những người trong diện đóng thuế bậc 1 - 4, tương đương với thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng trở xuống. Những người có thu nhập cao hẳn như trên 50 - 60 triệu đồng/tháng trở lên thì vẫn phải đóng thuế. Ông Bình nhìn nhận: Người lao động có mức lương 20 - 30 triệu đồng phải đóng thuế TNCN, nhưng trong bối cảnh hiện nay, có thể một vài thành viên trong gia đình bị mất việc, không có thu nhập, một mình họ phải lo cho cả gia đình. Nếu ở tỉnh lẻ có thể không sao, nhưng với điều kiện sinh hoạt ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM sẽ không ổn.
Đồng tình giảm thuế thu nhập cá nhân, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, thuế TNCN là nguồn đóng góp vào ngân sách lớn chỉ sau thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh giảm 25% năm 2010 xuống còn 20% vào năm 2020 thì chính sách thuế TNCN đã 10 năm vẫn chưa điều chỉnh. “Cần phải tiếp cận sửa đổi luật theo hướng hợp lý, có tính đến điều kiện sống hiện nay của người lao động, chi phí thực tế, tránh “cào bằng”. Cần cho phép người lao động được khấu trừ các chi phí hợp lý, có hóa đơn như tiền thuê nhà, khám chữa bệnh, đóng học phí cho con. Một chính sách thuế TNCN công bằng, hợp lý sẽ hạn chế được tình trạng trốn thuế, khuyến khích người dân”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Nên điều chỉnh lại mức tính thuế
Quy định nộp thuế TNCN hiện nay còn nhiều bất cập về yếu tố công bằng mang tính tương đối giữa các nhóm lao động, giữa thu nhập theo vị trí địa lý. Lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành bốn vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. Ở vùng sâu, vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, có thể dư giả, nhưng ở vùng thành thị - nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không đủ sống.
Trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển. Do đó, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức thuế TNCN. Trong việc điều chỉnh trước hết dựa vào tính thời đại, thực tiễn, công bằng, thực thi. Sau đó, tính đến lợi ích hài hòa của các thành phần trong xã hội. Phải thu thuế làm sao để kích thích người dân hăng say lao động.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng: Giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người dân
Nên giảm thuế TNCN để hỗ trợ người dân vì ngay cả những người làm ăn tốt cũng không thể có doanh thu như trước. Tuy nhiên, mức giảm nên khác nhau. Người thu nhập ở mức thấp nhưng vẫn trong ngưỡng phải đóng thuế cần được giảm nhiều hơn, có thể là 50%, người thu nhập trung bình cao giảm 25%.
Không nên miễn TNCN mà chỉ nên giảm một phần nào đó. Đối tượng nộp thuế phải tiếp tục nghĩa vụ đóng thuế để ngân sách có nguồn thu hỗ trợ nhóm yếu thế hơn như lao động tự do đang rất khó khăn vì mất việc, không có nguồn thu.