Thế giới chung cuộc chiến chống lạm phát

THẾ TUẤN 14/08/2022 09:14

Ngày 7/8, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Joe Biden liên quan đến khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe. Với 430 tỷ USD, đây cũng được coi là “dự luật giảm lạm phát” khi lạm phát ở Mỹ đang ở con số 9,1% và 2 quý tăng liên tục, nền kinh tế ngấp nghé bờ vực suy thoái. Nước Mỹ đã vậy, châu Âu và “phần còn lại của thế giới” thì sao?

Dự luật này sau khi được Hạ viện thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật sẽ cho phép cắt giảm chi phí thuốc kê đơn cho người cao tuổi, gia hạn các khoản trợ cấp bảo hiểm y tế tư nhân cho hàng triệu người thêm 3 năm.

Lạm phát vẫn đứng ở mức cao tại 19 quốc gia sử dụng đồng Euro, người dân phải đắn đo khi mua sắm thực phẩm.

Châu Âu: Những hành động “cần thiết và đúng đắn”

Trong khi nước Mỹ dùng rất nhiều biện pháp, bơm nhiều tiền vào nền kinh tế, tăng lãi suất ngân hàng và được coi là chấp nhận lạm phát tạm thời để tránh khỏi suy thoái và bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực, thì tại châu Âu tình hình khó khăn hơn.

Ủy ban châu Âu, cơ quan hành chính của EU, công bố số liệu cho rằng lạm phát năm 2022 của các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức 7,6% và tỷ lệ này trên toàn châu lục sẽ là 8,3%. Trong khi đó xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại rằng lạm phát ở châu Âu tiếp tục tăng.

Tình hình lạm phát đang gây áp lực nặng nề lên các quốc gia thành viên Eurozone, trong lúc các nước này đang cố gắng giảm thiểu tác động của lạm phát đến các hộ gia đình. Theo Ủy ban châu Âu (EC), dự báo lạm phát ở Eurozone sẽ đạt 6,1% trong năm 2022, trước khi giảm về 2,7% vào năm 2023. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh dự báo này, EC đã nâng mức lạm phát lên lần lượt là 7,6% và 4% trong các năm 2022 và 2023. Còn đối với toàn châu Âu, lạm phát đã được điều chỉnh tăng từ 6,8% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023, lên lần lượt là 8,3% và 4,6%.

Ông Paolo Gentiloni - Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng lạm phát được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay. Ủy ban châu Âu cũng đã điều chỉnh giảm hầu hết các kỳ vọng tăng trưởng trong dự báo kinh tế mùa hè được công bố mới đây. Ông Getinoli cũng cho biết, vào tháng 5/2022, EC dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 của EU và Eurozone nói riêng sẽ đạt lần lượt 2,7% và 2,3%. Hiện tại cơ quan này ước tính nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023, còn Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2022 và 1,4% vào năm 2023.

Đứng trước cơn bão lạm phát, các quốc gia châu Âu đều lên kế hoạch ứng phó, chống suy thoái kinh tế. Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất với biên độ lớn nhất trong 27 năm qua. Italy công bố gói hỗ trợ hơn 17 tỷ USD để ngăn đà tăng giá hàng hóa.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Bailey, cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang trở nên lâu hơn và mở rộng hơn. Lạm phát có thể cao hơn và kéo dài trong 18 tháng tới.

Còn với nước Pháp, chỉ cần 1 ngày bàn luận, Quốc hội đã lập tức thông qua gói hỗ trợ trị giá hơn 20 tỷ USD để tăng lương hưu, cho phép các công ty trả tiền thưởng miễn thuế cao hơn cho nhân viên, gia hạn hỗ trợ giá nhiên liệu. “Chính sách đầy tham vọng mà Quốc hội Pháp đang đưa ra để tiếp tục cải thiện cuộc sống hàng ngày của người Pháp. Do mức mức lạm phát chưa từng có kể từ năm 1985, Quốc hội Pháp phải hành động nhanh chóng và hiệu quả” - Nghị sĩ Christine Le Nabour nói với AFP.

Về những nỗ lực trong cuộc chiến với lạm phát của nhiều quốc gia EU, Cục Thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat) nhận xét đó là những hành động “cần thiết và đúng đắn” khi mà tỷ lệ lạm phát ở các nước châu Âu sử dụng đồng Euro đã tăng lên mức kỷ lục 8,9% vào tháng 7 vừa qua. Đây là mức cao nhất kể từ khi khu vực đồng euro được thành lập vào năm 1999. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh EU đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của thế giới, thì việc EU sử dụng các công cụ kinh tế mạnh can thiệp vào thị trường “báo hiệu một tương lai nhiều thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Bao giờ lạm phát được kiềm chế?

Theo Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, lãi suất toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2023 khi giá cả bắt đầu "hạ nhiệt" nhờ động thái của các ngân hàng trung ương. Giá cả hàng hóa, chẳng hạn như dầu mỏ, đã chững lại và bắt đầu giảm trong những tuần gần đây. Bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng tăng lãi suất là cần thiết để đối phó với rủi ro suy thoái và không nhất thiết vì mục tiêu kiểm soát lạm phát.

"Các ngân hàng trung ương đang tăng cường kiểm soát lạm phát, đó là một ưu tiên. Họ phải tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi triển vọng lạm phát được giữ vững" - bà Georgieva nói với đài CNBC tại Hội nghị G20 diễn ra ở Bali (Indonesia).

"Hiện chúng tôi vẫn thấy lạm phát đang tăng lên. Chúng ta phải dội một ít nước lạnh vào nó" - Tổng giám đốc IMF kêu gọi, đồng thời cho rằng châu Á - nơi đông dân nhất thế giới, lại “may mắn hơn trong cơn bão lạm phát quét ngang thế giới”.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong tháng 3 và tháng 4/2022, giá lương thực toàn cầu đạt mức cao nhất trong lịch sử. Chỉ số giá hàng hóa thực phẩm ở thời điểm đó đã tăng 15% so với 2 tháng trước đó và cao hơn 80% so với hai năm trước. Tuy nhiên, đến tuần đầu tháng 8, giá lương thực đã bắt đầu giảm do Ukraine đã bắt đầu cung cấp lương thực cho thế giới sau nhiều tháng không thể xuất khẩu do chiến sự.

Một lý do nữa khiến WB “tự tin” dự báo lạm phát sẽ giảm khi mà thời gian qua giá dầu đã chững lại và bắt đầu trượt dốc, từ mốc 120 USD/thùng vào đầu tháng 6 xuống dưới 100 USD/thùng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá, khi giá dầu thô "cao không thể chấp nhận được" thì lạm phát là không tránh khỏi. Cho nên, việc giá dầu thô giảm sẽ giúp kiểm chế lạm phát tốt hơn.

Hy vọng đã xuất hiện nhưng Tổng giám đốc IMF vẫn cho rằng tất cả các dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn chưa được kiềm chế. Bà Georgieva lưu ý, điều tối quan trọng hiện nay là phải kiểm soát lạm phát, nếu không thu nhập sẽ bị xói mòn, ảnh hưởng nặng nề nhất đến những khu vực nghèo nhất trên thế giới. “Các chính phủ phải thiết lập và duy trì một "cuốn cẩm nang" về các phản ứng chính sách nhằm giảm thiểu thời gian và mức độ nghiêm trọng của suy thoái và "giảm thiểu các tác động kinh tế bất lợi đến doanh nghiệp và người dân" - bà Georgieva khuyến cáo.

Trong một diễn biến khác, IMF dự báo mức lạm phát trung bình ở các nền kinh tế phát triển trong năm nay là 6% trong khi ở các nước đang phát triển là gần 9%. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại và giảm còn khoảng 3,6% trong năm 2022. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, với việc lạm phát tăng mạnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, Mỹ đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. Kinh tế Mỹ dẫn đầu thế giới nên điều đó sẽ “tác động sắc” tới kinh tế toàn cầu. Dù vậy, bà Georgieva cho rằng bất kỳ thiệt hại tạm thời nào do suy thoái gây ra cũng sẽ là "cái giá phải trả" để ngăn đà tăng của lạm phát.

Trong đánh giá thường niên về kinh tế Mỹ mới đây, IMF dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2022, thấp hơn so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 4. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 2,3% xuống còn 1,7% trong năm 2023, đồng thời cho rằng tốc độ tăng trưởng nước này sẽ chậm lại ở mức 0,8% trong năm 2024.

Bà Georgieva nhận định nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái nhưng khó tránh bất ổn ở mức cao. “Đó cũng là cái giá phải trả của nền kinh tế số 1 khi thế giới diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) đã tăng lãi suất 0,75%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, lên biên độ từ 1,5% đến 1,75% và báo hiệu lãi suất sẽ tăng lên 3,4% vào cuối năm nay cho thấy chính quyền của ông Biden đã xác định cuộc chiến chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Và đó là quyết định đúng đắn” - Tổng Giám đốc IMF nói trong một nỗ lực được coi là khuyến khích hành động của nước Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu.

Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới tiếp tục giảm trong tháng 7 vừa qua. Như vậy, tháng 7 là tháng thứ tư liên tiếp thế giới chứng kiến chỉ số giá lương thực giảm. Chỉ số này trong tháng 7 giảm tới 8,6% so với tháng 6. Có được tín hiệu tích cực này là nhờ tất cả các chỉ số giá dầu thực vật, đường, sữa, thịt và ngũ cốc đều giảm. Trong số đó, giá dầu thực vật và giá ngũ cốc lần lượt giảm hơn 19% và hơn 11%. Theo FAO, thị trường ngũ cốc toàn cầu đã phản ứng tích cực trước thỏa thuận về vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine và các điều chỉnh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Maximo Torero - nhà Kinh tế trưởng của FAO nói: “Giá lương thực giảm là điều đáng mừng, song khó khăn vẫn còn ở phía trước. Giá phân bón vẫn cao, ảnh hưởng tới sản lượng của năm tới. Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và sự biến động của tiền tệ đều gây ra những tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu”.

Tại châu Âu, giá lúa mì cũng tiếp tục giảm gần về với mức giá của thời điểm đầu năm nay. Tuy nhiên, tờ Romania Libera vẫn đưa ra nhận xét: “Giá năng lượng, nguyên vật liệu, phân bón tăng cao đang làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều trang trại ở một số thị trường châu Âu. Tình hình trầm trọng hơn do nóng nực và hạn hán trên diện rộng vì thiếu mưa kéo dài nhiều tháng qua”.

THẾ TUẤN