Nắng nóng, châu Âu báo động đỏ

BẢO THƯ 14/08/2022 10:31

Châu Âu vẫn chìm trong mùa hè dữ dội. Ngay cả nước Anh - “xứ sở sương mù” cũng có những ngày nóng tới 40 độ C, người dân London đã phải sống trong những ngày nắng nóng và khô hạn nhất kể từ năm 1935. Trong khi đó, Văn phòng Khí tượng thủy văn Anh dự báo có thể nắng nóng sẽ tiếp tục và miền nam đất nước sẽ không có mưa.

Sông Rhine (đoạn qua nước Đức) cạn trơ đáy do nắng nóng khô hạn. Ảnh: Reuters.

Khi nắng nóng kéo dài, Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đưa mức cảnh báo đỏ “nắng nóng đỉnh điểm” tại nhiều vùng với dự báo có thể lên đến mức cao kỷ lục. Khi đó, không chỉ những người thuộc nhóm nguy cơ cao mới có thể bị ốm và tử vong do ảnh hưởng của nắng nóng, mà cả những người khỏe mạnh cũng có thể gặp nguy hiểm.

Nhiệt độ kỷ lục từng ghi nhận cao nhất tại Anh vào ngày 25/7/2019 là 38,7 độ C, đo được tại Vườn Bách thảo trong khuôn viên Đại học Cambridge.

Đáng chú ý, trong một diễn biến khác, người Anh còn lấy làm ngạc nhiên khi hàng nghìn con cua có độc tập trung dày như tấm thảm ở vùng nước nông ở bãi biển Porthgwidden (St Ives St Ives), do nhiệt độ nước biển tăng cao. Chúng được gọi là “cua nhện” với đôi chân dài và móng vuốt nhọn. Sự xuất hiện bất ngờ của chúng đã khiến những người tắm biển để trốn nắng phải “dựng tóc gáy” - mô tả của truyền thông địa phương.

Kate Lowe, một nhiếp ảnh gia hàng hải, đã chụp được đàn cua nhện cho rằng chúng tràn vào bờ do nước quá nóng. “Tôi đi lặn biển thường xuyên nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy cua nhện nhiều như thế” - người này nói.

Tuy nhiên, không chỉ nước Anh, mà hầu hết các quốc gia châu Âu đang bị ánh nắng Mặt trời thiêu đốt. Tại Pháp, Chính phủ đã phải thành lập cơ quan liên bộ để cùng giải quyết những vấn đề do hạn hán gây ra. Trên 96 tỉnh thành của Pháp đã phải áp dụng hạn chế sử dụng nước. Chính phủ Pháp ban hành quy định với 4 cấp độ khác nhau cho việc tiết kiệm này. Cấp độ 1 là dành cho những vùng còn trong an toàn, chỉ khuyến khích người dân hạn chế sử dụng nước. Cấp độ 2 là hạn chế tưới tiêu tới 50%, hạn chế hàng hải và cấm hoạt động rửa xe. Cấp độ 3 hạn chế toàn bộ việc tưới vườn, giảm hơn 50% tưới tiêu nông nghiệp. Cấp độ đỏ báo động là ngừng toàn bộ việc tưới tiêu dành cho nông nghiệp, chỉ dành nước cho an ninh, sức khỏe và nước uống dân sự. Thủ tướng Elisabeth Borne đã cảnh báo Pháp đang phải đối mặt với “đợt hạn hán nghiêm trọng nhất” từng được ghi nhận ở nước này.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp (Météo-France) thông báo, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng từ ngày 7/8 và có thể còn kéo dài.

Ở Rome (Italy), người dân và khách du lịch tắm mát tại nhiều vòi phun nước rải rác khắp thành phố. Các điểm du lịch nổi tiếng ở đất nước này như Florence và Palermo đã nằm trong số 16 thành phố thuộc danh sách “báo động đỏ”, với mức nhiệt lên tới 40 độ C. Một phần trong gói các biện pháp trị giá 17 tỷ Euro của Chính phủ Italy nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này cũng nhằm mục đích giảm thiểu tác động của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua.

Đáng chú ý, khi nắng nóng quá độ, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan, ông Mark Harbers, đã kêu gọi mọi người tắm nhanh hơn và không rửa xe hoặc tưới vườn; đồng thời cảnh báo hạn hán dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài. Một số vùng của Hà Lan, nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đã cấm nông dân tưới cây bằng nước mặt. Theo Chính phủ Hà Lan, ưu tiên hiện nay dành cho sự an toàn của hệ thống đê điều của Hà Lan, tiếp theo là nguồn cung cấp nước uống và năng lượng.

Còn tại Đức, nắng nóng và ít mưa khiến lượng nước các dòng sông xuống thấp. Trên sông Rhine, các tàu buộc phải chuyên chở chỉ với 75% trọng tải. Ở Romania, mực nước trên sông Danube đã giảm đến mức các đảo cát nổi lên ở vùng Calafat. Mực nước dòng sông đẹp nhất châu Âu hiện đã ở mức thấp nhất mọi thời đại.

Tại Bồ Đào Nha, ghi nhận nắng nóng kỷ lục khi bắt đầu được thống kê vào năm 1931. Với 45% đất liền rơi vào tình trạng “hạn hán cực độ”, mức phân loại hạn hán cao nhất, và phần còn lại rơi vào tình trạng hạn hán “nghiêm trọng”, cấp độ nghiêm trọng thứ hai. Trong khi lượng mưa trên toàn quốc đo được là 3 mm, thấp hơn khoảng 22% so với lượng mưa thông thường.

Cũng thật đáng sợ khi châu Âu đang bị hun nóng thì sông băng trên dãy Alps tan chảy kỷ lục cũng vì nắng nóng. Chúng tiếp tục đà tan chảy và biến mất với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 60 năm qua.

BẢO THƯ