Giải bài toán sạt lở ở Trung Trung Bộ trước mùa mưa lũ - Bài 3: Thấp thỏm trôi nhà
Trước tình hình mùa mưa lũ năm 2022 đang đến gần, nhiều hộ dân tại tỉnh Quảng Trị sống gần khu vực sạt lở lại đang thấp thỏm lo sợ nhà ở của mình sẽ bị nước cuốn đi bất cứ lúc nào.
Nỗi lo bên dòng Ô Lâu
Những ngày đầu tháng 8/2022 chúng tôi tìm về thôn Xuân Lộc (xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị). Ở đây, câu chuyện nhiều người muốn trải lòng nhất là tình trạng sạt lở hai bên sông Ô Lâu.
Bà Dương Thị Muốn (78 tuổi, xã Hải Chánh) cho biết, sông Ô Lâu đoạn chảy qua địa bàn xã đã sạt lở nhiều năm nay, thậm chí một bãi bồi rộng khoảng 5.000 m2 đất ở giữa sông bị cuốn đi hết. Hai bên bờ sông đều bị nước “ngoặm sâu” vào trong đất liền khoảng 15 - 20m.
“Ngày trước, chúng tôi còn trồng trọt hoa màu bên bãi bồi ở giữa sông. Hồi đó, vào mùa khô, nước sông cạn lắm, trẻ con cũng có thể lội qua nhưng giờ nước sông ở đây sâu hun hút như không có đáy rồi”, bà Muốn kể lại.
Tương tự, nhiều người dân ở đây cho biết thêm, dù một số đoạn sông đã được xây dựng bờ kè, tuy nhiên, do bờ kè thấp hơn nhiều so với đất liền, nên mỗi khi gặp nước lũ lên cao, tình trạng sạt lở ở những nơi ấy vẫn tiếp tục xảy ra.
“Con đường dọc bờ sông dù lấn vào phía trong đất liền nhiều rồi nhưng vì sạt lở nên nó vẫn cứ nhỏ lại và giờ chỉ đủ cho người đi bộ, xe đạp, xe máy… qua lại. Có nhà ở gần với bờ sông đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống rồi”, bà Biên (70 tuổi, hàng xóm của bà Muốn) chia sẻ.
Tiếp tục ghi nhận tại xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), chúng tôi được ông Hồ Lữ (60 tuổi, trú thôn Trà Liên Tây) cho biết, những năm qua, sông Thạch Hãn đoạn đi qua địa bàn sạt lở vào đất liền khoảng vài chục mét.
Theo lời kể của ông Lữ, căn nhà gia đình ông đang ở xây cách đây hơn 20 năm. Thời điểm ông xây cất, căn nhà cách bờ sông một khoảng khá xa. Tuy nhiên, đến nay, từ mép bờ sông đến điểm đầu căn nhà chỉ còn cách khoảng chừng 3m.
Cùng cảnh như nhà ông Lữ, bà Hồ Thị Phiên (75 tuổi, thôn Trà Liên Tây), cho biết, cách đây khoảng 50 năm, căn nhà hiện tại của bà ra đến bờ sông còn có một khoảnh ruộng rộng lớn. “Tôi không nhớ rõ là khoảnh ruộng đó rộng bao nhiêu, nhưng mà hồi đó năm nào nhà tôi cũng gieo cấy và thu về rất nhiều lúa. Thêm nữa, hồi đó nước sông cạn lắm nên đi lại giữa hai bờ vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, đến nay thì mặt sông rộng mênh mông, nước sâu như không có đáy khiến chẳng có ai dám bơi lội qua nữa rồi”, bà Phiên nhìn ra phía sông kể lại.
Dẫn chứng cho lời kể của mẹ mình, anh Trịnh Đình Tiến (46 tuổi, con trai bà Phiên) cho biết, ngày trước, diện tích đất được ghi trong sổ đỏ nhà anh là khoảng 600m2. Đến năm 2019, khi tiến hành đo đạc để đổi sổ thì thửa đất này chỉ còn lại hơn 300m2.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm sống tại đây, anh Tiến cho biết thêm, hiện tại, không chỉ lúc lũ lụt mà mỗi khi có thuyền to đi qua, gió lớn thổi đến tạo sóng trên sông cũng khiến những tảng đất liền “mất chân”, rồi đổ ầm xuống.
Nói về chuyện trồng cây giữ đất, anh Tiến khẳng định, hiện nay, điều này không có tác dụng đối với dọc bờ sông Thạch Hãn đoạn qua nhà anh nói riêng và khu vực khác tại thôn Tây Trà Liên, xã Triệu Giang nói chung. Chỉ tay về phía bụi tre đang nằm gọn lỏn trong lòng sông và còn ít cành khô trơ trọi ngoi trên mặt nước, anh Tiến nói: “Giờ chẳng có loại cây nào giữ được đất ở đây hết. Như bụi tre nhà tôi trồng hàng chục năm về trước kiên cố đến vậy mà năm ngoái (2021) cũng bị sụt và đổ xuống sông rồi”.
Khi hỏi những người dân đang sống cạnh sông về nguyên nhân của tình trạng sạt lở nói trên, chúng tôi nhận được từ câu trả lời có chung “mẫu số”: do tình trạng khai thác cát gây ra. Rồi họ lý giải, thuyền bè đến hút cát trong nhiều năm qua đã tạo ra những khoảng trống sâu hun hút trong lòng sông. Tiếp đến, đất ở xung quanh lại bị nước cuốn xuống khỏa lấp những khoảng trống ấy như để “hoàn trả mặt bằng”; đến lúc này, khoảnh đất liền trên mặt nước đã mất đi phần chân bao quanh, bảo vệ phía dưới, thì chuyện sạt lở là điều hẳn nhiên.
Sống trong hoàn cảnh như vậy, các hộ dân vô cùng lo lắng, bất an và chẳng biết được căn nhà mình đang sinh sống có thể tồn tại qua bao nhiêu đợt mưa lũ nữa. Chỉ cho chúng tôi những vết nứt xé toang các bức tường xây bằng gạch kiên cố trong căn nhà của mình, ông Lữ, anh Tiến đều nhận định, đây là hậu quả của tình trạng sạt lở gây ra.
Không những vậy, họ cho biết thêm, những căn nhà này hiện đang bị nghiêng về phía bờ sông Thạch Hãn như một dự báo chúng có thể “chia tay” gia chủ bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, trong lúc đứng trò chuyện với người dân ở khu vực cách mép sông khoảng chừng 3 - 4m, có người đã nói với chúng tôi bằng giọng lo âu rằng, chưa biết chừng dưới chỗ này cũng đã bị sụt hết chân, hở hàm ếch và chỉ chờ một lực tác động vừa đủ nữa thì cũng sẽ bị cuốn phăng theo dòng nước.
Hơn 4.500 hộ dân bị ảnh hưởng
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, hiện tượng sạt lở hầu như diễn ra liên tục hai bên bờ của các sông chính như: Thạch Hãn, Bến Hải, Thác Ma - Ô Lâu… Trong đó, tùy theo địa chất, tốc độ sạt lở bờ khác nhau với nơi thấp nhất từ 1m - 2m/năm (như bờ tả, hữu sông Thác Ma - Ô Lâu, sông Nhùng...) và nơi cao nhất từ 10 - 15m/năm (như bờ tả, hữu các sông: Thạch Hãn, Đakrông, Bến Hải).
Sạt lở bờ sông tại Quảng Trị đã xâm thực sâu vào đất thổ cư, đất canh tác và khiến một số nơi thuộc huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị… phải di dời nhà ở. Sạt lở ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại các khu dân cư của 110 thôn, khu phố của 65 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng số hộ sống trong vùng bị ảnh hưởng hơn 4.520 hộ. Trong đó, hiện có 800 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm (cách mép sông gần 20m).
Trong vòng 11 năm (từ năm 2010 - 2021), khoảng 385ha đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bị tình trạng sạt lở cuốn trôi. Không những vậy, nhiều khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp và gây mất an toàn đến hệ thống hạ tầng cơ sở. Trong đó, có 49,12km thuộc các tuyến đường giao thông; 74,8km thuộc công trình đê điều và các công trình văn hóa khác…
Chi cục Thủy Lợi tỉnh Quảng Trị cho rằng, tình trạng sạt lở trên địa bàn có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, sạt lở bờ sông do điều kiện tự nhiên bất lợi (địa hình chủ yếu là đồi núi, mật độ sông suối cao, độ dốc và hệ số uốn lượn lớn, lòng sông hẹp vùng cửa sông chịu ảnh hưởng của các chế độ bán nhật triều…) và yếu tố thủy văn phân bố không đều theo không gian, thời gian (lượng mưa và các cơn bão tập trung lớn vào tháng 9 đến tháng 12) đã làm tăng nguy cơ gây lũ lụt, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát lũ của lưu vực.
Về chủ quan, do quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị hóa ngày một gia tăng. Trong khi nhiều công trình được đầu tư xây dựng chưa gắn với quy hoạch phòng chống thiên tai, đặc biệt là quy hoạch phòng chống lũ của các tuyến sông làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu thoát lũ của lưu vực và gây ra ngập lụt, sạt lở tại một số khu vực.
Và, các hoạt động trái phép hoặc thiếu kiểm soát trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã làm tăng nguy cơ gây lũ lụt, sạt lở. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề khai thác rừng đầu nguồn, phá hủy thảm phủ thực vật lưu vực và hai bên bờ sông, khai thác khoáng sản lòng sông làm ảnh hưởng đến an toàn công trình. Thêm nữa, trong nguyên nhân chủ quan còn có việc lấn chiếm bờ sông, xây dựng công trình, đắp bờ bao, xả rác thải sinh hoạt... đã làm ách tắc và thay đổi dòng chảy của dòng sông.
(Còn nữa)